Tìm cách hút dòng vốn FDI chất lượng cao

H.Hương-M.Sang 09/01/2023 07:00

Dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023. Thế nhưng, điều đáng nói là, dù đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp FDI báo lỗ, trốn thuế hoặc chuyển giá. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại.

Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cần xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp FDI công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp (DN) FDI. Theo đó, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế.

Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ

Đáng chú ý, trong năm 2021, số DN FDI báo lỗ là 14.293 (chiếm 55% tổng số DN), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng. Số DN lỗ lũy kế là 16.258 (chiếm 62% tổng số DN); tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng. Số DN lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 (chiếm 17%), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

"Tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các DN FDI chưa đạt hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam" - báo cáo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Một trường hợp DN FDI được Bộ Tài chính nhắc đến kinh doanh thua lỗ là Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (chuỗi siêu thị Lotte Mart). Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản Lotte Mart là 9.455 tỷ đồng, giảm 4,8% so với 31/12/2020. Cụ thể, năm 2021 doanh thu của Lotte Mart giảm 15,9% (tương đương giảm 945 tỷ đồng) so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế giảm 780 tỷ đồng và trong 2 năm công ty đều lỗ (năm 2020 lỗ 41 tỷ đồng; năm 2021 lỗ 821 tỷ đồng).

Lotte Mart là công ty con của tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), là chuỗi siêu thị lớn bán nhiều loại hàng tạp hoá, quần áo, đồ chơi, đồ điện tử và các hàng hoá khác. Lotte Mart vào Việt Nam từ năm 2008. Hiện nay tại Việt Nam Lotte Mart có 16 siêu thị.

Nhiều doanh nghiệp FDI đã thành công tại Việt Nam.

Tỷ lệ nội địa hóa tại doanh nghiệp FDI thấp

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành. Từ đó Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các DN FDI. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Song, theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), tuy dòng vốn FDI là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hoạt động của các dự án FDI thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Chẳng hạn, chuyện một số DN chuyển giá và trốn thuế ở Việt Nam, một số DN chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội… Chưa kể, trong các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ khoảng 5% sử dụng công nghệ cao; tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp. Tình trạng nhà đầu tư chậm trễ trong triển khai dự án khiến chính quyền địa phương phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, hay tình trạng làm ăn thua lỗ… cũng vẫn tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng về mặt chất lượng của các dự án FDI tính đến thời điểm này vẫn còn nhiều hạn chế, như dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển vào Việt Nam là khá ít, đồng thời số DN thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể.

Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra mà vẫn giữ được hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại?

Cần nâng chất “bộ lọc”

Bà Ramla Khalidi - đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, cần triển khai các công cụ rà soát, các bộ lọc để sàng lọc các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm như một yêu cầu cho việc chấp thuận đầu tư...Dự án kinh doanh có trách nhiệm, là phải đảm bảo việc đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho con người, môi trường và nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển. Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu.

Giới chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp để xác định các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp. Công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng... để thu hút đầu tư.

Xây dựng các quy định cho “bộ lọc” mới

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, cần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam cần xây dựng cơ chế ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước. Song song với đó, các DN trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng lao động. Cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách hút dòng vốn FDI chất lượng cao