Tìm 'cánh' cho điện ảnh Việt

Hoàng Minh 28/01/2017 09:00

Không còn nhiều bộ phim bị gắn mác thảm họa hay sản xuất xong rồi “cất kho”, thậm chí nhiều bộ phim đã tự tìm hướng phát triển bằng việc tham gia các LHP quốc tế… Thế nhưng, câu chuyện của điện ảnh Việt trong năm qua vẫn ngổn ngang nhiều bất cập không chỉ ở vấn đề chuyên môn, mà ngay những quy định quản lý đang đặt ra câu hỏi: Bao giờ điện ảnh Việt cất cánh?

Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Khó khăn

Theo thông kế của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 450 doanh nghiệp tư nhân được phép sản xuất phim, trong đó khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên, tích cực vào sản xuất phim điện ảnh, tạo ra 50%- 60% tổng sản lượng điện ảnh trong nước. Kết quả trên cũng ghi nhận sự thông thoáng của các quy định đang thu hút được mọi nguồn lực đầu tư cho điện ảnh.

Số lượng phim Việt trong 2 năm trở lại đây trung bình mỗi năm tăng khoảng từ 50%-60%. Thậm chí, theo số liệu chính thức của Cục Điện ảnh thị trường phim chiếu rạp những năm gần đây tăng trưởng vào loại hàng đầu ở châu Á, doanh thu mỗi năm đều tăng và năm 2016 có thể đạt tổng doanh thu tới 110 triệu USD (so với năm 2000 chỉ có 2 triệu USD).

Trong đó, sự thành công này cũng khó thể phủ nhận phần nhiều nhờ sự tham gia của những đạo diễn, nhà sản xuất tư nhân có tâm huyết và “chịu chơi, chịu chi”. Trong đó, phải kể đến những cái tên như Trương Ngọc Ánh với “Truy sát”; Ngô Thanh Vân với “Tấm Cám”; Dustin Nguyễn với “Trúng số”…

Số liệu nghe có vẻ “đáng mừng”, nhưng sau đó là những băn khoăn. Bởi thành công hầu hết đến từ các bộ phim tư nhân trong khi về phía phim nhà nước trong năm 2016 không có một bộ phim mới nào được đầu tư sản xuất. Nghi ngại hơn, giữa doanh thu và chất lượng bộ phim vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Rõ ràng thị trường phát hành phim đang có hiện tượng không bình đẳng đối với các nhà sản xuất. Thị trường phim hiện nay chú trọng nhất là doanh thu. Chính vì thế trước đây nhiều bộ phim dù có yếu tố giáo dục rất cao, yếu tố nghệ thuật không phải là kém có khi rất là tốt nhưng do khâu quảng bá kém dẫn đến ít khán giả.

Cũng theo ông Phúc, thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam bây giờ là cả một mớ... “bùng nhùng” mà tháo gỡ như thế nào để phim vừa tốt về mặt doanh thu lại vừa tốt về mặt nghệ thuật và giáo dục, đáp ứng có thể ra rạp được là điều khó.

Song điều mà ông Phúc trăn trở cũng chỉ là một trong những “rối ren” của ngành điện ảnh. Bởi phim nhà nước đã khó thì phim tư nhân đầu tư tiền tỷ cũng chẳng sướng được là bao. Với 2 hội đồng kiểm duyệt phim tại Hà Nội và TP.HCM thì câu chuyện sai Luật Điện ảnh ngay trong vấn đề duyệt phim nóng khiến nhiều bộ phim phải ngậm ngùi sửa kịch bản.

Đơn cử, diễn viên Trương Ngọc Ánh thẳng thắn cho biết từ khâu kịch bản một bộ phim đến sản phẩm hoàn chỉnh là “một trời một vực”. Thực tế Luật cũng nên bổ sung làm rõ “Thuần phong mỹ tục là thế nào? Hở bao nhiêu là được?” Hay với một người làm phim nhà nước như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đưa quan điểm: Vấn đề nằm ở chỗ tính thẩm mỹ và quan điểm thẩm mỹ. Nếu cảnh đó phù hợp với nội dung nhưng rất ghê, xấu xí và không thẩm mỹ thì liệu có nên lấy tiêu chí phù hợp không. Tôi nghĩ có lẽ nên có khái niệm đảm bảo tính thẩm mỹ.

Gỡ từ đâu?

Giữa những bộn bề chuyện khó khăn của ngành điện ảnh thì dường như để gỡ rối cũng không phải câu chuyện “một sớm, một chiều”. Bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Bây giờ Luật Điện ảnh đưa ra cũng ở hành lang pháp lý. Việc sửa Luật Điện ảnh sẽ ảnh hưởng đến các Luật khác.

Cũng theo bà Lan nên đưa phim Việt ra thế giới, tham dự các Liên hoan phim quốc tế; nâng cao chất lượng phim, chú trọng các tác phẩm có sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập thị trường điện ảnh ở nước ngoài; tăng cường giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác, liên doanh làm phim với nước ngoài; tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt kiều về nước hành nghề.

“Yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và phát triển điện ảnh là con người mà cụ thể là người tài trong sáng tác; người có chuyên môn, tay nghề công nghệ - kỹ thuật; người có trình độ và kinh nghiệm trong quản lý... Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”- bà Lan nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam- ông Đặng Xuân Hải đã từng chia sẻ: Nền điện ảnh chúng ta đang được coi là xuống tới tận đáy với rất nhiều bất cập được nêu ra như rệu rã, cắt khúc, chia rẽ, không liên kết, mất định hướng, đầu tư không hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp, đào tạo chưa đạt chuẩn…

Chúng ta cần một động lực, một mô hình, cơ chế cũng như định hướng để phát triển toàn diện chứ không thể vá víu như hiện nay. Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết Nhà nước và Bộ VHTT&DL cũng có nhiều dự án đang triển khai phát triển điện ảnh. Nhưng dường như sự đầu tư manh mún, phân tách, nhỏ lẻ này không tạo ra hiệu quả cho cả hai. Điện ảnh là một lĩnh vực quan trọng của văn hóa.

Vì vậy, ông đề nghị Bộ VH-TT&DL nên nghiên cứu và xem xét các hình thức hoạt động của nhà nước cũng như theo xu thế cơ chế thị trường để cho ra đời một Tập đoàn điện ảnh nhà nước. Với cơ sở hạ tầng có sẵn, việc củng cố, xây dựng khép kín từ khâu đào tạo, sản xuất đến phát hành và chiếu bóng, xuất nhập khẩu phim không phải là việc quá khó khăn.

Nhìn lại, các nhà hoạt động điện ảnh không chỉ năm qua vẫn trông chờ ở hai nguồn hỗ trợ: Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và Thông tư đấu thầu lựa chọn nhà sản xuất phim có ngân sách Nhà nước. Hai nguồn hỗ trợ đều quy định trong Luật Điện ảnh, tuy nhiên đều trong tình trạng vướng mắc.

Cục Điện ảnh soạn thảo đề án xây dựng Quỹ từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được thành lập, lý do là chưa xác định được nguồn thu ổn định đảm bảo hoạt động của Quỹ. Thông tư đấu thầu cũng trong tình trạng tương tự, dù dự thảo Thông tư xong từ lâu, nhưng chưa phù hợp đặc tính sản xuất điện ảnh và chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện, 2 văn bản này vẫn trong tình trạng chờ phê duyệt.

“Yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và phát triển điện ảnh là con người mà cụ thể là người tài trong sáng tác; người có chuyên môn, tay nghề công nghệ - kỹ thuật; người có trình độ và kinh nghiệm trong quản lý... Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”- theo bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm 'cánh' cho điện ảnh Việt