“Tre già, măng mọc” là sự tất yếu của các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam các nhà làm phim trẻ có được cơ hội phát triển vẫn không phải là điều dễ dàng.
Một thế hệ tài năng
Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Một số gương mặt làm phim trẻ thế hệ 8x - 9x đã dần khẳng định tên tuổi. Có thể kể đến Phan Gia Nhật Linh với “Em là bà nội của anh”, “Tiệc trăng máu”, “Em và Trịnh”; Trần Thanh Huy với “Ròm”; Trịnh Đình Lê Minh với “Thưa mẹ con đi”, “Bằng chứng vô hình”; Tạ Nguyên Hiệp với “Trái tim quái vật”…
Một số người đã giành được giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) uy tín trong và ngoài nước. Đó là Trương Minh Quý, Phạm Hoàng Minh Thy và Huỳnh Công Nhớ với các giải thưởng tại LHP quốc tế Singapore (SGIFF); Phạm Ngọc Lân với hàng loạt các giải thưởng tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), LHP Locarno (Thụy Sĩ)… Đặc biệt, mới đây nhất tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 6, các nhà làm phim trẻ của Việt Nam đã ghi được những dấu ấn, trong đó bộ phim “Khu rừng của Páo” của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt đã xuất sắc giành giải Phim ngắn xuất sắc nhất...
Đồng hành với các dự án dành cho các nhà làm phim trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, so với thời của tôi thì các nhà làm phim trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các liên hoan phim quốc tế. Các em hoàn toàn tự quyết định hướng đi của mình dựa trên năng lực. Ở nước ta, sáng tạo điện ảnh còn nhiều chủ đề thú vị cần được khai thác. Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang có nguồn năng lượng khá tốt, có nhiều thứ kích thích họ, nhiều cơ hội mở ra.
Về hướng phát triển của các nhà làm phim trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, điều mà các nhà làm phim trẻ cần hiện nay là kết nối với các dự án, quỹ đầu tư điện ảnh để nâng cao chuyên môn, có kinh phí làm phim. Nếu những bộ phim ấy chất lượng thì đương nhiên khán giả sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất là chúng ta còn thiếu quá nhiều yếu tố để tạo ra một hệ thống sản xuất phim với nội dung phong phú đủ để cạnh tranh với phim nước ngoài. Đương nhiên, nếu mong muốn đi đường xa, tạo ra thế hệ làm phim có tiếng nói quan trọng định hình điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì không thể thiếu được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
“Chúng tôi mong chờ và luôn nghĩ rằng, nếu có sự tính toán kỹ càng hơn về việc đầu tư vào tài năng trẻ cộng với một chính sách bài bản thì chắc chắn chúng ta sẽ có vị thế tốt trong nền điện ảnh thế giới” - đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Hành trình còn lắm gian nan
Dù đã gặt hái được nhiều thành tích, song để các nhà làm phim trẻ có thể “cất cánh” và tìm được chỗ đứng thì vẫn còn đó một hành trình dài đầy gian nan.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung cho biết, với dự án phim của mình, anh từng mất 8 năm đi khắp các liên hoan phim như Busan, Lorcano... nhưng vẫn “tay trắng”. Và may mắn với giải thưởng tại LHP phim quốc tế Hà Nội anh mới có cơ hội để thực hiện bộ phim của mình. Với giải thưởng giám khảo tại Chợ dự án, Đỗ Quốc Trung sẽ được BHD cung cấp thiết bị quay phim. Đây là khoản chi phí lớn, được một số nhà làm phim ước lượng là có thể chiếm từ 50-60% tổng số tiền thực hiện một bộ phim.
“Làm phim là một công việc khó, bản thân tôi khi ra đến trường quay cũng phải “bước ra ánh sáng” và đối mặt với hàng chục con người. Chính vì vậy khi bạn muốn làm phim, thì tự bạn phải bước đến những Chợ dự án tại các liên hoan phim để tìm những nguồn tài chính cho phim của mình. Tôi nghĩ rằng, đây không phải là câu chuyện bạn tự ti hay không, mà chủ yếu là bạn nên nghĩ xem liệu mình có thực sự muốn làm phim? Khi nền điện ảnh nước nhà vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển để hướng tới những mục tiêu tốt hơn, tôi nghĩ các nhà làm phim nên cố gắng tìm cách tối đa để hoàn thiện mình. Nếu đam mê của bạn đủ mạnh thì tôi tin chắc bạn sẽ vượt qua được những rào cản đó” - Đỗ Quốc Trung bày tỏ.
Để tìm hướng phát triển cho các nhà làm phim trẻ, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, Tổng Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, trong làm phim, “cộng sinh” là vấn đề then chốt. Hiện nay, xuất hiện thực trạng các nhà làm phim trẻ rất khó thu hút đầu tư cho phim của mình, nhất là những bộ phim giàu tính thể nghiệm, nghệ thuật.
“Để đến được với đồng vốn của nhà đầu tư là cả một quá trình. Tôi khuyên các đạo diễn trẻ hãy thay đổi tư duy, cách làm phim để phim của mình sớm được chào sân. Đừng nản lòng khi đến một Chợ dự án nào đó. Mỗi lần thất bại, hãy trao đổi thẳng thắn với giới chuyên môn xem hồ sơ đang gặp vướng mắc ở đâu để giải quyết. Tiếp thu ý kiến đóng góp không chỉ giúp các đạo diễn trẻ có thêm kinh nghiệm trong sự nghiệp mà còn rút ra được bài học để hồ sơ thu hút đầu tư lần sau được chuẩn bị bài bản, khoa học, hấp dẫn. Phải chuyên nghiệp trước rồi mới tính đến câu chuyện hút vốn đầu tư” - bà Hạnh nói.
Theo Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong 2 năm dịch gần như không có phim sản xuất, sau dịch kinh tế khó khăn nên các dự án có đầu tư lớn cũng bị cắt giảm. Số lượng phim giảm thì cơ hội cho các nhà làm phim trẻ độc lập còn khó khăn hơn. Nếu thị trường phim thương mại sôi động và có lãi thì người ta mới đầu tư cho các nhà làm phim trẻ. Với những nhà làm phim trẻ, chỉ đến khi thị trường điện ảnh phát triển mạnh mẽ người ta mới tìm những cái mới, sẵn sàng thử nghiệm. Môi trường cạnh tranh tự nó thúc đẩy làm sao có những sản phẩm độc đáo trong cuộc cạnh tranh đó.