“Trong nguy có cơ, trong họa có phúc, đây là thời điểm các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể đẩy mạnh vận dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bứt phá vượt qua khó khăn và hội nhập bền vững”- chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ khi nói về bức tranh DN Việt trong cơn khủng hoảng bởi bão dịch Covid-19 cũng như những triển vọng kinh tế thời hậu dịch.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Theo TS Lê Đăng Doanh, đại dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể nói là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Hàng triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm, hàng triệu doanh nghiệp bị phá sản. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. Các tổ chức quốc tế, các hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD. Tổ chức Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Hàn Quốc 0,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng trên 1,5%... So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.
Tại Việt Nam, con số DN tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm lên đến hàng chục ngàn DN. Dịch bệnh làm gián đoạn cung ứng và liên kết xuyên quốc gia.
Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn 210% GDP nên tác động của đại dịch này đến Việt Nam là rất nghiêm trọng. Xuất khẩu giảm sút, khách hàng các nước hủy hợp đồng mua sản phẩm của Việt Nam. Chúng ta đã thấy rõ thực trạng này ở các ngành như dệt may, da giày, ngành gỗ... Sức mua giảm sút. Nói riêng về ngành dệt may, đại dịch này đã khiến hàng trăm DN trong ngành lao đao, khi cung ứng đầu vào cho dệt - may từ Trung Quốc bị đứt gãy. Hàng triệu lao động bị đe dọa thất nghiệp. Một ngành khác cũng rất khó khăn đó là ngành ô tô: Cung ứng linh kiện cho ô tô, điện tử bị gián đoạn làm cho nhiều hoạt động lắp ráp bị ngưng trệ. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, giãn cách xã hội, trợ giúp người lao động và doanh nghiệp bằng những chính sách hỗ trợ khá kịp thời.
PV:Nhìn lại quý I/2020, chưa bao giờ số DN phá sản, ngừng hoạt động lại tăng ở mức cao như vậy, với hơn 35 ngàn DN tuyên bố ngưng hoạt động, phá sản. Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, Chính phủ đã có những động thái nhằm vực các DN vượt qua thời kỳ khó khăn, phục hồi sản xuất. Cụ thể là Chỉ thị 11 CT-TTg. Ông nhìn nhận ra sao về các gói hỗ trợ này?
TS Lê Đăng Doanh: Dịch bệnh đang làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới, và dĩ nhiên, những DN của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng… Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, cộng đồng DN Việt không hề đơn độc. Chính phủ đã rất kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện các biện pháp cứu trợ DN trong điều kiện ngân sách rất căng thẳng. Cụ thể, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp, giảm khá sâu. Bên cạnh các gói hỗ trợ tín dụng là các chính sách giãn, giảm thuế nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN. Chúng ta biết rất rõ, DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN hoạt động hiện nay. Bởi vậy, nếu khu vực DN này bị tổn thương, sẽ là khủng hoảng rất lớn đối với nền kinh tế.
Tôi cho rằng, những giải pháp của Chính phủ thời điểm này là rất kịp thời. Song, điều quan trọng là cần nhanh chóng đưa các gói cứu trợ đó đến trúng địa chỉ, tránh lạm dụng, lãng phí. Đây cũng là dịp để Chính phủ đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, cắt giảm các bộ phận trùng lắp, vận dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình, cắt giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân mỗi DN cần phải nỗ lực như thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, và xa hơn là hội nhập kinh tế thế giới một cách bền vững, thưa ông?
- Dịch bệnh Covid-19 xảy ra dẫn đến yêu cầu giảm giao tiếp gần giữa các cá nhân, nhưng cũng là lúc chúng ta hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong đời sống cũng như trong sản xuất. Nếu nói ở góc độ tích cực hơn, đây là thời điểm để chúng ta đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Lúc này, các DN phần mềm, DN công nghệ thông tin, các DN chuyển đổi số, quản lý số nâng cao năng lực sản xuất, chớp thời cơ để phát triển, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Đơn cử, khi chúng ta giãn cách xã hội và giãn cách người lao động để phòng dịch nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất thì một số công đoạn DN sẽ phải thay đổi, công nghệ hóa thay vì sản xuất theo hình thức truyền thống như trước đây. Đó là cơ hội để chúng ta bước từng bước vào nền kinh tế số.
Vượt qua bão dịch, các hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục.
Mỗi DN đều phải phân tích đầy đủ các yếu tố SWOT (Strenght; Mạnh, Weakness: Yếu Opportunities: Cơ hội, Threat: Thách thức) , làm rõ những khâu yếu kém, sơ hở của DN mình để khắc phục, cải tạo, tái cơ cấu. Chúng ta không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”, phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác, một thị trường để tránh những rủi ro, nguy cơ đã từng gặp phải khi chỉ dựa vào một đối tác. Tình trạng tồn ứ nông sản xảy ra thường niên là kinh nghiệm xương máu.
Đây là thời điểm các DN phần mềm, DN công nghệ thông tin, các DN chuyển đổi số, quản lý số nâng cao năng suất sản xuất, là cơ hội để các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh vận dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ quản trị DN. Trong nguy có cơ, trong họa có phúc! DN nhỏ và vừa sẽ sáng tạo khi tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Biến khó khăn thách thức thành cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới.
Ông nhận định gì về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020? Chúng ta có thể kỳ vọng về sự phục hồi nền kinh tế từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA không?
- Năm 2020 là một năm rất khó khăn cho kinh tế Việt Nam, các mục tiêu kế hoạch đề ra sẽ rất khó có thể đạt được. Tuy nhiên, với những nỗ lực mà Chính phủ đang thực thi để vượt đại dịch, cùng sự chung sức của cả cộng đồng, DN, các tổ chức hiệp hội, tôi cho rằng chúng ta có thể từng bước vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, việc chúng ta đã và đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam tận dụng bứt phá sau khi dịch Covid 19 được dập tắt. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội mở ra từ FTA này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đây là thời điểm các DN phần mềm, DN công nghệ thông tin, các DN chuyển đổi số, quản lý số nâng cao năng suất sản xuất, là cơ hội để các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh vận dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ quản trị DN. Trong nguy có cơ, trong họa có phúc! DN nhỏ và vừa sẽ sáng tạo khi tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Biến khó khăn thách thức thành cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới.