Bắc Giang biến nguy cơ thành thời cơ – với thứ nông sản đặc sản của mình, qua đó nâng tầm quả vải ở cả thị trường trong nước và ngoài nước.
Những ngày qua, câu chuyện vải thiều Bắc Giang thắng lớn ngay trong những ngày làn sóng Covid-19 lần thứ tư “quét” qua tỉnh này đã cho thấy một thực tế. Nếu quyết tâm thì không có gì là không thể. Nói thế là bởi, vào thời điểm chính vụ vải thiều thì Bắc Giang lại phải căng mình chống chọi với dịch bệnh.
Sáu khu công nghiệp, hàng trăm ngàn công nhân phải nghỉ việc, cách ly, dịch bệnh lan ra tất cả các đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Chống dịch thôi dường như đã là quá sức với Bắc Giang, nên có lẽ, thời điểm đó nhiều người cảm thấy lo lắng cho Bắc Giang, cho nông sản, cho nông dân Bắc Giang.
Ấy vậy mà, lo lắng này đã trở nên không thật sự cần thiết khi, Bắc Giang lại biến nguy cơ thành thời cơ – với thứ nông sản đặc sản của mình, qua đó nâng tầm quả vải ở cả thị trường trong nước và ngoài nước.
Con số ấn tượng trong vụ vải 2021 của Bắc Giang gợi cho chúng ta nhiều điều: Hơn 200 ngàn tấn vải thiều đã tiêu thụ hết. Không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà ngay cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… quả vải Bắc Giang đã vượt hàng ngàn dặm, vượt qua những “kỳ sát hạch” ngặt nghèo về quy định an toàn phòng dịch, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm để lên kệ với giá không hề nhẹ tại những siêu thị khó tính ở các thị trường khác nhau.
Sự thành công trong vụ vải vừa qua, với Bắc Giang rõ ràng là sự thành công của việc vượt qua hàng loạt các nguy cơ hiện hữu xuất phát từ hai chữ dịch bệnh. Những khó khăn trong kiểm dịch, trong logistic đã không thể làm khó cả người nông dân Bắc Giang lẫn chính quyền tỉnh này. Mà, giá vải thiều Bắc Giang cũng ở mức có lãi chứ không phải ở mức bán như cho- đó cũng là một cái hay, cần suy ngẫm.
Rồi đây có lẽ sẽ có nhiều người mổ xẻ thành công trong tiêu thụ vải thiều vụ 2021 của Bắc Giang. Và có lẽ, tỉnh này cũng sẽ trở thành một điểm sáng, một mô hình để các địa phương có những vùng chuyên canh nông sản, sản phẩm OCOP gặp dịch bệnh như Bắc Giang học tập.
Nhìn lại vụ vải thiều Bắc Giang của năm nay và quá trình biến nguy thành cơ có thể nói không quá rằng, thành công của tỉnh này không hề đến từ may mắn; mà nó đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến không thể kỹ lưỡng hơn về các kịch bản tiêu thụ vải thiều. Nếu lớn lên ở nông thôn, ở những vùng chuyên canh nông sản, đặc biệt là nông sản đặc sản chắc chắn sẽ rất hiểu nỗi khổ một nắng hai sương, được mùa rớt giá của nông sản. Và vì thế, sẽ rất hiểu nông sản không tiêu thụ được thì người nông dân sẽ vất vả thế nào. Có lẽ chính vì thế mà từ sớm, lãnh đạo và các ngành chức năng của Bắc Giang đã lên những kịch bản cho việc tiêu thụ nông sản nói chung và đặc sản vải thiều nói riêng.
Nói như ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết: “Dịch bệnh vào Bắc Giang là bất ngờ. Nhưng đối phó với dịch bệnh, giải bài toán tiêu thụ vải thiều cho nông dân thì tỉnh Bắc Giang rất chủ động với những quyết sách của mình”.
Quả có thế, chỉ một quả vải đặc sản thôi nhưng đã có nhiều kịch bản được đưa ra. Đó thực sự là một sự chủ động có nhìn xa trông rộng. Bởi, ngay từ đầu năm, dù chưa dính dịch Covid-19 nhưng cùng cả nước trải qua một năm 2020 vật vã vì dịch, có lẽ Bắc Giang đã thấm nỗi vất vả khi suốt ngày thấp thỏm không rõ bao giờ dịch Covid “hỏi thăm” và nỗi vất vả vì ngân sách địa phương cũng bỗng chốc trở nên eo hẹp do dịch bệnh, dù rằng đó là tình trạng chung.
Vẫn theo ông Tuấn, Bắc Giang trở thành “tâm dịch” cũng là một kịch bản, nghĩa là kịch bản tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh cũng đã được lường trước. Vì thế, ngay từ xa, từ sớm, tỉnh này đã có kế hoạch cụ thể. Và, vì vậy, dịch đến, họ không bất ngờ, không bị động, không lúng túng.
Từ chuyện tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, có thể thấy, rất nhiều những điều đáng suy ngẫm nữa từ chuyện xây dựng kế hoạch tổng thể với các kịch bản rõ ràng, cho từng tình huống. Đó chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Bắc Giang khi tìm mọi cách thực hiện phương án tiêu thụ vải trong thời điểm dịch bệnh. Trên hết và trước hết phải là chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng giờ đã quá thông minh. Họ không chỉ cần sản phẩm với giá hợp lý mà còn quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Có chất lượng, có sản lượng thì cần tìm thị trường tiêu thụ bền vững.
Cần nói thêm rằng, năm nay, bên cạnh kênh phân phối truyền thống, nhờ sự giúp sức của đại diện thương mại Việt Nam tại các quốc gia vốn yêu thích quả vải Việt Nam; Bắc Giang đã đẩy mạnh thêm kênh phân phối online nghĩa là trên các sàn giao dịch trực tuyến. Kế hoạch đã lên, đã có những ký kết nhưng Covid đến chẳng báo trước, nếu không quyết liệt chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng dịch thì chắc rằng, vải thiều cũng như nông sản Bắc Giang khó mà vượt ra khỏi ranh giới tỉnh này.
Người tiêu dùng chắc chắn sẽ nghi ngại, lo lắng. Nhưng truyền thông tốt và đảm bảo an toàn chống dịch; rồi quả vải Bắc Giang đạt chất lượng tốt. Những việc đó hơn ngàn lời văn hoa, đã tự có sức nặng quảng bá cho nông sản Bắc Giang nói chung và quả vải nói riêng vượt ra khỏi ranh giới hành chính để đến với bàn ăn của mọi nhà.
Hình ảnh hàng dài các xe tải xếp hàng nối đuôi nhau chở vải thiều chờ “thông quan kiểm dịch” để tỏa đi khắp các nơi thật sự là một hình ảnh ấn tượng; giống như hình ảnh các bác sĩ tuyến đầu đang giúp Bắc Giang chống dịch vào thời điểm nóng bỏng ấy. Và câu chuyện biến nguy thành cơ trong tiêu thụ nông sản mà cụ thể ở đây là vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trở thành một câu chuyện đẹp vì nó đem lại lợi ích cho không chỉ khách hàng mà còn cho nhà nông, nhà phân phối.