Nếu như vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” trong đào tạo sân khấu đang từng bước có những hướng đi hiệu quả thì việc tạo cơ hội cho các tài năng sân khấu, nghệ sĩ trẻ toả sáng lại đang là “bài toán” hóc búa cho nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn.
Loay hoay khẳng định
Sau một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể phủ nhận ngành sân khấu đã “ghi điểm” trong lòng khán giả với những hoạt động thiết thực. Ở đó ghi nhận nhiều đơn vị đã tích cực dàn dựng nhiều vở mới cùng với hàng loạt các liên hoan, cuộc thi sân khấu đã được tổ chức. Thế nhưng, đằng sau thành công hay những tấm huy chương vẫn là những khoảng lặng về dấu ấn của người trẻ ở cả khâu biểu diễn lẫn sáng tác.
Như ở lĩnh vực biểu diễn, với cách chuyển đổi liên kết, đào tạo tại chỗ, các đơn vị sân khấu đã không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào cơ sở đào tạo về nguồn lực kế cận. Minh chứng rõ nhất là sự “ra quân” rầm rộ của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tại các liên hoan tài năng diễn viên trẻ sân khấu được tổ chức trong 2020.
Tuy nhiên, sau những “cơn mưa” giải thưởng của các liên hoan là những tâm tư không mấy lạc quan của không ít lãnh đạo, quản lý các đơn vị sân khấu và cả nghệ sĩ về tương lai của các tài năng sân khấu. Bởi ngoài việc tạo “đất diễn” thì gần như chưa có sân khấu nào xây dựng chiến lược lâu dài cho các nghệ sĩ trẻ. Chưa kể, muốn thu hút và “giữ chân” tài năng, các sân khấu phải có cách để nâng cao đời sống của nghệ sĩ, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người…
Đơn cử ngay cả khi các đơn vị nghệ thuật “đỏ đèn” thì với khung bồi dưỡng hiện thời chỉ khoảng 200 nghìn đồng cho một đêm diễn không đáp ứng chi phí tối thiểu hằng ngày. Hầu hết các diễn viên trẻ phải loay hoay bươn chải kiếm sống như hát tại nhà hàng, hát đám cưới, sự kiện...
Cũng theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo đơn vị nghệ thuật dù rất muốn tạo điều kiện để các diễn viên trẻ “ổn định” công ăn, việc làm nhưng vấn đề chỉ tiêu, nhân sự luôn là bài toán nan giải. Chính những nguyên nhân chủ quan và khách quan này đã trực tiếp làm ảnh hưởng không nhỏ đến “nghiệp” diễn của không ít tài năng trẻ.
Không chỉ lĩnh vực biểu diễn, ở khâu đạo diễn, biên kịch, sáng tác sân khấu thực trạng còn “bi đát” hơn nhiều. Cho dù, sân khấu Việt những năm qua đã xuất hiện các tài năng trẻ ở những ở lĩnh vực này những để có những cái tên thành danh vẫn chưa tìm ra được gương mặt đại diện. Bởi hầu như các tác phẩm họ viết ra không có đất “dụng võ”.
Việc tổ chức các trại sáng tác hiện nay mới chỉ giải quyết về khâu “trẻ hoá” chứ hoàn toàn không phát huy được hiện quả. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đó là các đơn vị nghệ thuật “chạy đua” tìm chọn đạo diễn có tên tuổi, uy tín để hy vọng vở diễn của mình sẽ tạo được sự chú ý.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật khi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước là sự “cân đong, đo đếm” nên tác giả, đạo diễn thành danh luôn là cách lựa chọn an toàn. Chính nguyên nhân này nhiều đạo diễn, biên kịch trẻ đành chấp nhận làm những vở đặt hàng theo kiểu đầu tư ít ỏi, tìm cơ hội gây dựng dần thương hiệu cho mình. Thậm chí không ít người đành từ bỏ sân khấu để bắt tay với truyền hình hay điện ảnh, thậm chí bỏ hẳn nghề sang làm lĩnh vực khác.
Nhìn nhận về thực trạng này, NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ, rất muốn dựng kịch của các tác giả trẻ nhưng dù có trong tay nhiều tập kịch bản của các tác giả khắp mọi miền đất nước gửi về nhưng “muốn tìm những cây viết mới nhưng đọc mãi mà tôi không tìm được sự đồng cảm nào”. Các lớp biên kịch cũng vẫn được đào tạo, nhưng hầu hết khi tốt nghiệp, các em lại không theo đuổi con đường biên kịch nhọc nhằn mà khó tìm thấy tương lai.
Tạo cơ hội cho người trẻ
Với nhu cầu giải trí ngày một đa dạng của khán giả thì lĩnh vực sân khấu đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Trong đó, không thể phủ định những nhân tố trẻ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nắm bắt xu hướng, nhu cầu của khán giả.
Với vai trò Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Công Lý cho rằng những người “đầu tàu” các đơn vị sân khấu cần phải định hướng cho các tài năng trẻ. Bên cạnh đó, ngoài việc tạo “đất diễn” còn phải khai phá tài năng tiềm ẩn của những diễn viên trẻ.
NSND Công Lý cũng nhìn nhận, các diễn viên sân khấu hiện nay rất đa tài, đa năng và đầy sự sáng tạo. Họ có thể toả sáng từ sân khấu chính kịch, hài kịch cho đến phim truyền hình, điện ảnh… Nhưng để các diễn viên trẻ có thể phát triển cần những người thầy đưa đường chỉ lối để không lệch nhịp.
Còn theo NSND Thành Trầm, sân khấu Thủ đô năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả, nhưng kịch bản hay vẫn còn… ở phía trước. Để có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu Thủ đô, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu.
Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu. Phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời… hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là kịch bản hay.
Có thể nói, “con đường” khẳng định mình của các tài năng trẻ sân khấu còn rất nhiều gian nan. Cùng với tài năng và sự cố gắng của từng đạo cá nhân thì lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng cần có sự đổi mới tư duy. Sẽ không thua thiệt nếu như họ biết đặt lòng tin cho những người trẻ đúng chỗ, đúng người và đúng thời điểm. Sự thành công và khẳng định tài năng của một số gương mặt tài năng hiện nay chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo của nhiều đơn vị sân khấu cũng như hội đồng nghệ thuật ở từng đơn vị nghệ thuật phải nhìn nhận lại nếu thực sự họ mong muốn làm mới chính mình để tiếp cận khán giả đương đại.