Dù đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi, song ngành ô tô vẫn chưa thể đạt được những mục tiêu về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đây chính là trở ngại khiến công nghiệp ôtô chưa thể bứt phá để có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nước nhà. Theo Bộ Công thương, tới đây 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ sẽ được xây dựng, từ đó tạo đà bứt phá cho ngành công nghiệp ô tô.
Ngành ô tô cần hơn nữa những lực đẩy từ công nghiệp hỗ trợ.
Sau 20 năm, tỷ lệ nội địa hóa vẫn ỳ ạch
Trong hành trình kéo dài hai thập kỷ với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hơn 60%, đến nay, ngành ô tô vẫn chỉ như đứng ở vị trí khởi điểm, khi tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 10% đối với các dòng xe con. Điều này khiến giấc mơ ô tô Việt của người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng trở nên xa vời. Tuy nhiên, sự ra đời của các dòng xe Vinfast cũng đã làm cho người ta có cái nhìn khác đi. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từng nhận định: “Việt Nam cần phải có thương hiệu ô tô quốc gia để có một nền công nghiệp ô tô tự chủ”. Việc Vingroup bước chân vào lĩnh vực này dường như đang hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thương hiệu ô tô quốc gia của ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, để hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành ô tô cần phải có nhiều những “chất xúc tác” mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là những chính sách trong ngành công nghiệp hỗ trợ phải thay đổi để tạo đà cho sự phát triển của ngành này.
Trên thực tế, mặc dù đã đi qua một chặng đường khá dài, song đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa đối với ngành công nghiệp này vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo đánh giá của Bộ Công thương, đối với các dòng xe con, xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, trong khi mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020. Với khoảng thời gian còn rất ngắn của năm 2019, có thể khẳng định mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe ô tô con là không thể đạt được.
Bộ Công thương chỉ rõ, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như: Săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… và nêu quan điểm: Tỷ lệ nội địa hóa thấp, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô phải nhập khẩu từ nước ngoài - phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Sở dĩ mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa không đạt được như mục tiêu đề ra, theo Bộ Công thương, là do năng lực DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước còn yếu kém, không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về cung ứng linh phụ kiện của các hãng ôtô toàn cầu có trụ sở lắp ráp tại Việt Nam... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa chủ động được các nguyên vật liệu đầu vào cơ bản phục vụ sản xuất linh phụ kiện cho ngành ôtô. Khoảng 80 - 90% nguyên liệu chính phục vụ sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao... hiện vẫn phải nhập khẩu.
Đầu tư mạnh vào phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tại phiên chất vấn trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương đã và đang xây dựng những chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó, Bộ tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để chúng ta hỗ trợ cho DN công nghiệp phát triển.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ của chúng ta tiếp cận. “Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ ở tại ba vùng để DN hỗ trợ của chúng ta có điều kiện tiếp cận”- Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề cập đến việc bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ngoài ra, các chính sách cũng tạo điều kiện, khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa, với dự kiến điều chỉnh chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.