Dù giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng dòng phim nghệ thuật khi ra rạp vẫn đang bị lép vế trước phim giải trí, thương mại, phải loay hoay tìm khán giả.
Làm phim chỉ để đi thi?
Với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong những năm qua dòng phim nghệ thuật đã có sự gia tăng cả về chất và lượng. Ở đó, nhiều bộ phim nghệ thuật ngay khi ra mắt đã được giới chuyên môn đánh giá cao và bước đầu gặt hái được những thành công tại các liên hoan phim (LHP) trong nước và quốc tế. Có thể kể đến các bộ phim: “Bi, đừng sợ!” (đạo diễn Phan Đăng Di), “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), “Đảo của dân ngụ cư” (đạo diễn Hồng Ánh)… Mới đây, tại LHP Cannes 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đoạt giải Máy quay vàng dành cho Tác phẩm điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất. Trước đó, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm từng lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc; đoạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP châu Á Đà Nẵng 2023… Bộ phim “Memento Mori: Đất” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ góp mặt tại rất nhiều LHP quốc tế. Phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từng đoạt giải cao nhất - Montgolfière d’or (Golden Balloon) tại LHP Ba châu lục 2022 ở Pháp và nhiều giải thưởng quốc tế khác.
Tuy nhiên, có một tình trạng chung của dòng phim nghệ thuật đó là khi rạp luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, với những suất chiếu khiêm tốn và rất nhanh đã phải ngưng chiếu. Tới nay, chỉ có bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy là đạt được con số khá ưng ý khi ra rạp là 63,9 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, các bộ phim nghệ thuật dù đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn nhưng lại không hút khách bởi thiếu đi tính giải trí. Đơn cử như bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” không chỉ khó hiểu về mặt đề tài, ý tưởng, ngôn ngữ điện ảnh mới lạ mà còn được nhận xét là đầy tính “thách thức” đối với người xem. Không những vậy với thời lượng 3 tiếng với hàng loạt cú máy dài, những phân cảnh ít thoại, không nhiều diễn biến, nhịp chậm rãi; sử dụng đa phần các diễn viên không chuyên, thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên cũng khiến không khí bộ phim trở nên khô khan.
Hay bộ phim “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dù đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Đặc biệt, điểm tựa vững chắc của phim chính là từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, khi ra rạp vào cuối năm 2022, bộ phim chỉ thu về doanh thu khiêm tốn là hơn 4 tỷ đồng. Quay trở lại nhiều năm trước, “Song lang” là một trường hợp đáng tiếc nhất của phim nghệ thuật khi giành nhiều giải thưởng quốc tế, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại không thành công ngoài rạp chiếu. Phim được đầu tư kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, nhưng doanh thu vé rạp của phim chỉ được khoảng hơn 5 tỷ đồng. Phim cũng bị rút khỏi các rạp chiếu trước thời hạn, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu mến bộ phim và yêu mến nghệ thuật cải lương.
Cần chiến lược dài hơi
Có thể nói, đã đến lúc nền điện ảnh Việt Nam cần một cơ chế đặc biệt để những tâm huyết của các nhà làm phim nghệ thuật có cơ hội đến gần hơn với công chúng. Hơn cả là để các đạo diễn, những nhà làm phim độc lập không cảm thấy đơn độc trong nỗ lực đưa điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới.
Cùng với đó, một nguyên nhân khách quan lý giải cho việc phim nghệ thuật Việt thất bại ngay ở sân nhà là do nội dung phim thường xoay quanh những câu chuyện được kể xa rời hiện thực. Thậm chí nhiều bộ phim được đánh giá là được dàn dựng theo góc nhìn cá nhân nên khó để khán giả hiểu, cảm nhận. Bên cạnh đó, những chủ đề khai thác trong dòng phim nghệ thuật thời gian qua cũng chỉ loanh quanh đả phá hủ tục, tảo hôn, trọng nam khinh nữ, bất công trong xã hội cũ. Không những vậy, một số những nhà làm phim dòng phim nghệ thuật đang có những tư duy theo lối mòn là làm phim khó xem đối với khán giả đại chúng, sẵn sàng đối mặt tình trạng lạnh nhạt của khán giả để tìm kiếm thành tích ở các LHP quốc tế.
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, bài toán doanh thu với phim nghệ thuật rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam. Điện ảnh là sản phẩm văn hóa nhưng nó là đại sứ văn hóa. Với những phim như thế không nên tính doanh thu nhiều hay ít mà nghĩ cách nào truyền bá nó rộng nhất. Chúng ta cần nâng niu, dành cho bộ phim những buổi chiếu sang trọng, trong khung giờ đẹp. Ở nước ta, có một tâm lý không hay, xem phim của nhau hay bới tìm những khuyết điểm hơn là nâng niu, trân trọng giá trị bộ phim. Điều đó làm cho cách nhìn của chúng ta thấp xuống. “Nên tự đặt câu hỏi vì sao ta đánh giá thấp điều phim đạt được, còn khán giả nước ngoài lại đánh giá nó cao”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bày tỏ.
Đồng quan điểm, đạo diễn Đinh Thái Thuỵ cho rằng, đa số dòng phim kén khán giả này đều được sản xuất bởi các đơn vị trực thuộc Nhà nước. Làm phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước, nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, xã hội. Có nhiều phim hay, đoạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế, nhưng phát hành lại ảm đạm bởi công tác quảng bá quá yếu so với cách làm của các nhà sản xuất tư nhân với dòng phim thương mại. Những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao, được giới chuyên môn trong và ngoài nước công nhận, là yếu tố chủ chốt để khẳng định tầm vóc của nền điện ảnh. Vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng của bộ phim, dù làm theo khái niệm “nghệ thuật” hay “thương mại” mà phim không được số đông khán giả đón nhận thì đó là điều cần nghiêm túc đánh giá lại.