Mưa lớn diễn ra trong vài ngày qua khiến nhiều địa phương ngập trong biển nước. Ngay tại các thành phố lớn, nhiều nơi cũng biến thành sông. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước đang bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cần có giải pháp để thích ứng. Như việc sử dụng các công nghệ mới, phải đồng bộ trên cả nước. Vì thế cần quy hoạch cấp quốc gia, trong đó đặt ra những giải pháp rất rõ là phải làm gì.
PV: Thưa ông, vừa qua mưa lớn đã khiến nhiều địa phương như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngập trong biển nước. Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định cũng bị ngập úng. Vậy phải chăng vấn đề thoát nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế?
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước đều bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Cho nên cấp thoát nước cũng chỉ là một vấn đề.
Tôi lấy ví dụ về vấn đề cấp thoát nước ở Hà Nội. Thứ nhất, thực trạng cấp thoát nước trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta có hệ thống tồn tại từ nhiều năm, hệ thống cống ngầm từ năm 1920, nhưng việc duy tu, bảo dưỡng chưa được thường xuyên. Vì thế, cống rãnh tắc do rác thải, nước bẩn, ý thức người dân. Thứ hai, trong định hướng quy hoạch chúng ta chưa lường trước được tác động của biến đổi khí hậu. Như quy hoạch thoát nước của Hà Nội đã có 2 đợt quy hoạch. Gần đây nhất chỉ tính đến lưu lượng thoát nước mưa là 200mm, sau đó đến 300mm cả ngày đêm. Song thực chất có trận mưa vượt quá mức chúng ta định lượng. Chỉ trong 1 giờ đã hơn 100mm chứ chưa nói đến mưa trong thời gian dài. Trong quy hoạch về thoát nước mưa, dự báo của chúng ta chưa tính hết trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Và để xử lý vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian, điều chỉnh kế hoạch thoát nước của Hà Nội. Còn hiện nay ta chưa có giải pháp để xử lý những trường hợp đột xuất. Ngay Hà Nội là nơi có địa hình phức tạp như phố cổ là cốt 6m so với mực nước biển, nhưng càng xuống dốc ở khu Thanh Trì, Hoàng Mai. Ngay trong khu vực trung tâm của thành phố thì do quá trình xây dựng khiến cốt nền cũng bị biến đổi rất nhiều, đặc biệt là cốt đường sá hiện nay.
Rồi trong liên kết điều tiết diện tích nước mặt chúng ta cũng chưa quyết liệt, hệ thống sông hồ phải liên kết với nhau nhưng hiện chưa tạo được hệ thống liên kết này một cách hợp lý. Cho nên chưa có điều tiết chung của cả khu vực.
Về giải pháp của Hà Nội là phải có khảo sát lại, lập một quy hoạch thoát nước mới thay cho quy hoạch 2 lần trước đây và ưu tiên nguồn lực để chúng ta thực hiện quy hoạch này. Lần trước là 5 năm, sau đến 10 năm nhưng vẫn chưa thực hiện xong. Lần này chúng ta phải quyết liệt hơn, sớm có nguồn chính sách ưu đãi để xử lý cục bộ. Hiện khoa học có nhiều ứng dụng, cần áp dụng để thoát nước cục bộ, khi xảy ra ở khu phố nào thì xử lý được ngay.
Tôi đưa ra ví dụ Hà Nội là bởi hệ thống thoát nước của Hà Nội là tiên phong, là dẫn đầu trong quy hoạch thoát nước mà còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thế nên, các đô thị khác chưa có hệ thống thoát nước như ở Hà Nội thì cũng bị ngập sau trận mưa kéo dài trong vài ngày qua là vậy.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm
Về giải pháp của Hà Nội là phải có khảo sát lại, lập một quy hoạch thoát nước mới thay cho quy hoạch 2 lần trước đây và ưu tiên nguồn lực để chúng ta thực hiện quy hoạch này. Lần trước là 5 năm, sau đến 10 năm nhưng vẫn chưa thực hiện xong. Lần này chúng ta phải quyết liệt hơn, sớm có nguồn chính sách ưu đãi để xử lý cục bộ. Hiện khoa học có nhiều ứng dụng, cần áp dụng để thoát nước cục bộ, khi xảy ra ở khu phố nào thì xử lý được ngay.
Tôi đưa ra ví dụ Hà Nội là bởi hệ thống thoát nước của Hà Nội là tiên phong, là dẫn đầu trong quy hoạch thoát nước mà còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thế nên các đô thị khác chưa có hệ thống thoát nước như ở Hà Nội thì cũng bị ngập sau trận mưa kéo dài trong vài ngày qua là vậy.
Thực tế đó đang đặt ra cho chúng ta cần có những giải pháp mới để xử lý những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, thưa ông?
- Hiện tại TPHCM đang dự kiến áp dụng công nghệ mới để hút nước ở những khu vực trũng, bị úng ngập cục bộ để thoát nước ra ngoài. Công nghệ này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn. Hiện nghiên cứu khoa học và một số nước họ đã làm rồi. Như bài học từ các nước ở châu Âu, tức là phải có giải pháp để là sống chung với xâm nhập mặn. Ở Italia nước biển dâng liên tục nhưng họ có giải pháp, nước biển dâng lên xong lại rút nhưng trong lúc dâng lên thì đời sống của người dân vẫn không bị ảnh hưởng.
Cần phải quan tâm phát triển mới các diện tích mặt nước. Ví dụ trong các công viên mới cần tạo ra các hồ. Việc khai thác chiều sâu, bảo dưỡng để chúng ta trữ nước theo quy định thì chưa được quan tâm. Như Công viên Tuổi trẻ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã 4 lần xử lý nhưng chưa được, hồ nước vẫn như thế. Hay thoát nước hiện nay thì có thể thấy dân số Hà Nội đang tăng lên rất nhanh, dự kiến của năm 2020 là 7,9 triệu mà đến nay đã là 8,4 triệu rồi. Tức là quá mức chúng ta dự kiến. Giữa nước thải sinh hoạt và hệ thống thoát nước chung chưa tách biệt ra. Dân số tăng thì nước thải tăng, cộng với biến đổi khí hậu nước mưa tăng lên càng gây áp lực lớn cho thoát nước của Hà Nội.
Rồi trong quản lý mật độ xây dựng, trong quy hoạch đã quy định mật độ xây dựng phải có diện tích mặt đất để thẩm thấu nước nhưng hiện mật độ xây dựng quá lớn, không kiểm soát được, có nơi xây 100%, có nơi ngay cả khu đô thị cũng xây 50 - 60% thì chưa thực hiện được thẩm thấu nước và tác động đến bề mặt của các phần đã xây dựng.
Hiện không chỉ các thành phố lớn mà tại các địa phương khác thì gia tăng dân số đang rất nhanh và xây dựng đang tạo ra những áp lực lớn. Có lẽ đây là vấn đề lớn cần tính toán kỹ trong bài toán phát triển về mật độ xây dựng trên phạm vi cả nước?
- Hiện cả nước có 39 quy hoạch ngành quốc gia được đưa ra trong Luật Quy hoạch. Như vậy tổng cộng cả quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, và quy hoạch kỹ thuật là 111 quy hoạch. Tuy nhiên đến nay mới chỉ thực hiện được 30% quy hoạch. Cho nên theo tôi chúng ta phải sớm hình thành quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch thủy lợi, quy hoạch nước biển, quy hoạch thoát nước.
Phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch quốc gia. Bởi đây là quy hoạch cấp trên để các tỉnh thực hiện quy hoạch chi tiết theo quy hoạch quốc gia. Việc thực hiện quy hoạch đang quá chậm. Vừa qua Quốc hội đã giám sát và chất vấn vấn đề này. Bây giờ việc cần làm là phải hành động, và phải có kế hoạch để thực hiện.
Thưa ông, sông, hồ là nơi tích tụ chứa nước, tạo cảnh quan, sinh thái nhưng hiện các dòng sông đang bị ô nhiễm bởi rác thải, bùn lấp. Vậy nên ông có nghĩ đã đến lúc cần phải “giải cứu” các dòng sông trên cả nước?
- Theo tôi chúng ta cần phải có kế hoạch. Hiện nay chúng ta đang thảo luận về Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Trong đó có chú trọng đến vấn đề hệ thống nước mặt bao gồm sông, hồ. Thế nhưng tài nguyên nước hiện nay đang là một vấn đề của thế giới, an toàn nước cho toàn cầu. Tài nguyên nước còn liên quan đến liên quốc gia. Bây giờ phải có định hướng và tầm nhìn dài hơn.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt và cần có kế hoạch để ứng phó nhưng quan trọng nhất vẫn là hành động, thưa ông?
- Hiện nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Là nước bị ảnh hưởng nhiều, chúng ta cần có giải pháp để thích ứng, như việc sử dụng các công nghệ mới phải đồng bộ trên cả nước. Vì thế cần quy hoạch cấp quốc gia, trong đó đặt ra những giải pháp rất rõ là phải làm gì.
Trong 39 quy hoạch ngành quốc gia đã đặt ra rồi, thí dụ trực tiếp liên quan đến úng ngập có vấn đề quy hoạch hệ thống neo biển, neo đậu ở biển, quy hoạch tài nguyên nước bao gồm: nước ngầm, nước nổi, nước mặn, nước mưa. Nhưng đến nay chúng ta chưa có. Rồi quy hoạch lâm nghiệp để xác định rừng thì mới ổn định được nước, hiện nay chúng ta cũng chưa có. Như vậy trong 39 quy hoạch ngành quốc gia thì hiện thiếu rất nhiều quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước. Đây là vấn đề cần phải đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch. Bởi thiệt hại do biến đổi khí hậu rất ghê gớm, nhiều nước bị thiệt hại rất nặng, và đây là vấn đề của toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!