Ngành Vận tải hành khách công cộng của TP HCM đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, trong đó, nhiều tuyến xe buýt hoạt động trong tình trạng chạy cầm chừng và thường xuyên báo lỗ do ế ẩm. Hiện, Sở Giao thông vận tải TP HCM đang tham mưu để “giải cứu” cho hoạt động xe buýt....
Xe khách ế ẩm
Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) xe buýt TP HCM, dù từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, lượng khách tăng nhẹ, nhưng có thời điểm lượng xe buýt trên toàn thành phố vẫn giảm khoảng 50%. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của các quy định về phòng, chống dịch, ngành xe buýt thành phố cũng thừa nhận, nhiều tuyến xe buýt thường xuyên vắng khách, phải giảm chuyến, dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đối mặt nguy cơ phá sản.
Thậm chí, theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM, có thời điểm khối lượng vận chuyển hành khách công cộng giảm sút nghiêm trọng, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Mặc dù sau khi dịch được kiểm soát, lượng khách có tăng nhẹ, thì các tuyến xe buýt vẫn chưa thoát khỏi cảnh phải hoạt động cầm chừng do thua lỗ. Theo Liên hiệp HTX xe buýt TP HCM, không ít doanh nghiệp xe buýt đã có ý kiến gửi Sở Giao thông vận tải TP HCM và các cơ quan chức năng đề nghị sớm tháo gỡ khó khăn, bởi vì nếu kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và hệ thống xe buýt thành phố nói chung sẽ không thể phát triển được.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, trước đây có một số DN chia sẻ về vấn đề lượng khách đi xe buýt giảm mạnh và các đơn vị này phải gánh các khoản nợ ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi đầu xe.
Cũng theo ông Ninh, trong đợt dịch vừa qua, riêng HTX Xe buýt TP HCM có 300 xe buýt mới mua bằng tiền vay ngân hàng thì mỗi tháng đã phải trả lãi gần 2 tỷ đồng. Thông tin này được công bố công khai và ngành xe buýt “cầu cứu” nhiều lần.
Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX số 15 cho biết, nhiều tuyến đã tạm dừng hoạt động do thua lỗ và ế khách. Có thời điểm Sở Giao thông vận tải TP HCM tăng hết tần suất các chuyến nhưng cũng chỉ hoạt động được 80%. Dù vừa qua TP HCM đã rà soát, tham mưu kiến nghị cấp thẩm quyền để hỗ trợ cho ngành xe buýt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thế nhưng, theo nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam, để ngành Vận tải hành khách công công hoạt động bền vững, đáp ứng được yêu cầu của người dân thì phải đổi mới về phương thức quản lý, lẫn điều hành xe buýt, kể cả phải bỏ hình thức chạy bằng nhiên liệu (xăng, dầu diesel,…) gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP HCM từng chỉ ra 5 nguyên nhân khiến xe buýt ế ẩm khách. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, cộng với chính sách hạn chế xe cá nhân chưa thực hiện được là nguyên nhân tác động rất mạnh đến sản lượng khách đi xe buýt. Ngành này cũng chưa kết nối mạng lưới xe buýt với phương tiện vận tải công cộng khác như đường sắt đô thị, xe điện mặt đất,…để tạo khung xương sống cho vận tải hành khách công cộng. Trong khi đó, chính sở này cũng thừa nhận vấn đề quản lý điều hành xe buýt cũng còn yếu kém và là nguyên nhân dẫn đến thực trạng xe buýt ngày càng ế khách, hoạt động cầm chừng.
Bỏ “xe xăng”, phủ xe điện
Một trong các giải pháp đang được Sở Giao thông vận tải TP HCM tham mưu cho UBND TP xem xét, quyết định đó là định hướng phát triển “giao thông xanh”. Ngoài ra, Đức cũng đang triển khai dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA” tài trợ cho TP HCM và Việt Nam để đổi mới hoạt động ngành xe buýt hiện nay. Chính quyền TP HCM cũng tiến thêm một bước khá quan trọng khi đang bàn thảo cùng với đối tác dự án về hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển ngành xe buýt theo hướng cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, xu hướng sử dụng phương tiện xe cá nhân của người dân mỗi năm một tăng cao khiến phát thải nhiều độc hại ra môi trường đô thị. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai giải pháp hạn chế hoặc loại bỏ dần phương tiện xe cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch tại đô thị.
TP HCM đang đô thị hóa nhanh và cũng bắt đầu quan tâm đến xu hướng đổi mới ngành Giao thông vận tải, trong đó có hoạt động xe buýt. Bởi vì, khảo sát mức độ phát thải trong giao thông đang chiếm 18% tổng phát thải khí nhà kính và không ngừng tăng qua các năm. Theo kế hoạch, thành phố sẽ khuyến khích phương tiện giao thông điện, là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Theo KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes tại TP HCM, ô tô và xe máy là các phương tiện chính, chiếm tới 80-90% nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, các nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của các phương tiện xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch luôn vượt 6 - 7%/năm và tăng đều qua từng năm. Đây là một thực tế rất đáng báo động cho vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và sức khỏe của người dân.
Một số đề án đặt ra mục tiêu đến 2035 TP HCM sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế/chính sách, trong đó, thống nhất được mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Từ đó, tiến đến khuyến khích và áp dụng các chính sách để xe điện được phổ biến tại các đô thị vệ tinh của thành phố kết nối với các quận trung tâm.