Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp ngành thể thao triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược một cách hiệu quả.
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045.
Theo Chiến lược này, mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ TDTT; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp TDTT.
Tại hội nghị, đại diện các ban, ngành, địa phương, Hiệp hội, Liên đoàn, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng với công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các ý kiến đều tập trung đưa ra các giải pháp, kế hoạch trên cả 3 phương diện thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, từ đó, góp phần giúp ngành TDTT có được cái nhìn sát nhất để triển khai hiệu quả Chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương bày tỏ mong muốn các đại biểu thảo luận, làm rõ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp, giải pháp, cách thức tổ chức, lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược sao cho hiệu quả. Để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, ông Cương đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành cùng ngành TDTT, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế là thể thao Việt Nam vẫn đang gặp khó trong phương hướng phát triển, rõ nhất là việc quá sa đà vào sân chơi SEA Games.
Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết: “Việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta phải tận dụng thế mạnh của các tỉnh thành, ví dụ như TPHCM, thế mạnh ở các môn nào, quân đội ở các môn nào, để chúng ta tìm ra những thế mạnh các môn để cùng nhau xây dựng nên, chứ chúng ta không có nên công tác, đào tạo một cách đại trà”.
Về vấn đề quan trọng nhất là tìm nguồn lực đầu tư cho thể thao, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, ngân sách Trung ương cho thể thao hiện tại chỉ đảm bảo vận động viên ở tất cả các môn tham gia khoảng 170 giải đấu mỗi năm nhằm gặt hái kinh nghiệm, thành tích và tích lũy điểm số cho tấm vé dự Olympic. Có những môn, vận động viên cả năm chỉ được cấp ngân sách thi đấu 2 - 3 giải quốc tế, muốn thi đấu thêm phải… tự bỏ tiền túi hoặc tìm kiếm tài trợ.
Để có nguồn lực tài chính, vấn đề xã hội hóa thể thao đã được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng bước chuyển dịch sang hướng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thể thao còn chậm, chỉ một số liên đoàn có thể “sống khỏe” như liên đoàn bóng đá, bóng chuyền…