Ý tưởng về xã hội tương lai ngoài trái đất đang được thúc đẩy bởi một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Ames của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Có 3 mẫu thiết kế tiềm năng dành cho các trạm không gian tương lai bao gồm: Khối cầu Bernal, Khu định cư hình xuyến; và Khu định cư hình trụ. Sức chứa của các trạm không gian từ 10.000 đến 1 triệu người, chúng có khả năng quay tròn để tạo ra trọng lực nhân tạo.
Khu định cư hình trụ, nơi rộng nhất trong số các ý tưởng, có những cửa sổ lớn cho phép ánh sáng mặt trời soi rọi cảnh quan bên trong. Thiết kế này còn được gọi là "hình trụ O'Neill". Người dân sinh sống trên bề mặt uốn cong giống như "cung điện thủy tinh".
Vấn đề quan trọng là oxy. Nhóm khoa học của NASA cho biết điều đó sẽ được giải quyết thông qua phương pháp điện phân nước và hấp thụ khí CO2 rồi chuyển đổi thành oxy và carbon. Theo NASA, một số hang động trên mặt trăng có nhiệt độ dễ chịu là 17°C và có thể được xem xét để sử dụng làm các khu định cư.
Ngày 4/12, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Bangor (Anh) cho biết đã phát triển một nguồn năng lượng có thể cho phép các phi hành gia sống lâu trên mặt trăng. Điều này có thể làm cho việc du hành không gian an toàn hơn và hiệu quả hơn bằng cách sử dụng các công nghệ và vật tư có trong không gian để duy trì hoạt động của các phi hành gia và tàu vũ trụ.
Như vậy, sự thành công của các phi hành gia sẽ dẫn tới cơ hội người bình thường sống trên mặt trăng.
Một phát kiến được cho là táo bạo hơn, đến từ Công ty Spaceborn United (Hà Lan) khi tuyên bố chuẩn bị cho con người sinh sản trên sao Hỏa. Công ty này cho rằng trong vòng 30 năm nữa chúng ta sẽ được chứng kiến em bé đầu tiên chào đời ngoài trái đất. Việc thụ thai trong vũ trụ nhiều khó khăn, chủ yếu là thiếu lực hấp dẫn khiến cặp đôi dễ trôi dạt ra xa nhau. Vì thế, người phụ nữ trên trái đất sẽ được cấy ghép phôi thai này rồi sinh đứa trẻ trên sao Hỏa và được bảo vệ cực kỳ an toàn trong quá trình trở lại trái đất.
Tới nay, viễn cảnh sinh sống trong vũ trụ vẫn rất mơ hồ. Tuy nhiên, NASA đang dùng công nghệ in 3D để tìm cách làm được nhà trên mặt trăng vào năm 2040. Vật liệu làm từ bụi trên mặt trăng và người thường cũng ở được trong những ngôi nhà này.
Ông Bob Cabana - Trợ lý Tổng giám đốc NASA nói: "Chúng ta đang khám phá bên ngoài hành tinh của chúng ta. Chúng ta sẽ thiết lập sự hiện diện ngoài trái đất và hệ mặt trời”.
NASA đã thực hiện Artemis 1 - sứ mệnh đầu tiên trong dự án lên mặt trăng, với các hình nộm trong khoang tàu. Con tàu đã bay vòng quanh mặt trăng và trở về trái đất an toàn. Ông Cabana cho biết, Sứ mệnh Artemis 2 sẽ chở người thật, gồm 4 thành viên phi hành đoàn, trong chuyến bay 10 ngày quanh mặt trăng, dự kiến tiến hành vào tháng 11/2024. Sứ mệnh Artemis 3 sẽ tiến hành vào năm 2025, khi đó “người bình thường” cũng có thể hạ cánh xuống mặt trăng.
Tuy nhiên, theo NASA, mặt trăng không phải là điểm đến duy nhất trong nỗ lực tìm kiếm “nơi ở mới” của con người. Theo NASA, mặt trăng chỉ là chặng nghỉ và nạp nhiên liệu để lên sao Hỏa. Hiện NASA đang triển khai chương trình thử nghiệm sống trong khu vực có các điều kiện tương tự sao Hỏa ở bang Texas (Mỹ). 4 người tình nguyện đóng vai trò các phi hành gia NASA thực hiện thử nghiệm này từ tháng 6/2023, trong thời gian 1 năm.
Còn theo tỷ phú Elon Musk, để giúp loài người sống sót trong trường hợp trái đất xảy ra các thảm họa và cũng để loài người có nhiều sự lựa chọn về nơi sinh sống trong vũ trụ, thì sao Hỏa chính là nơi ở dự phòng cho trái đất, nơi mà con người có thể tự cung tự cấp, để rồi mở rộng địa bàn cho nền văn minh của nhân loại.
Ông Elon Musk cũng cho biết, để hiện thực hóa, Công ty SpaceX của ông đã phát triển tàu vũ trụ Starship, loại tàu có thể tái sử dụng, với mục tiêu đi lại giữa trái đất và sao Hỏa. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải vượt qua trở ngại về môi trường phóng xạ đe dọa đến con người, phải tạo dựng được hệ thống tự cung tự cấp, bao gồm thực phẩm, nước, năng lượng…
Dẫn các nghiên cứu về khí hậu, ông Elon Musk cho rằng hàng loạt kỷ lục nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2023 xảy ra với cường độ ngày càng trầm trọng đang đặt ra mối đe dọa đối với sự sống trên trái đất. Nói với tạp chí BioScience, tỷ phú Elon Musk cho rằng sự sống trên trái đất đang bị bao vây. Vì thế, việc tìm kiếm “nơi ở mới” ngoài trái đất là điều cần được tất cả các quốc gia lưu ý.
Giáo sư Katherine Richardson (Viện Toàn cầu Đại học Copenhagen, Đan Mạch), cho rằng nếu tốc độ biến mất của các loài thấp hơn 10 lần tốc độ tuyệt chủng trung bình trong 10 triệu năm qua thì được coi là chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tuyệt chủng đang diễn ra nhanh hơn ít nhất 100 lần so với tốc độ tiêu chuẩn trên và nhanh hơn 10 lần so với giới hạn của hành tinh. Khả năng phục hồi của trái đất là rất giới hạn, vì thế bất cứ nỗ lực nào tìm kiếm “nơi ở mới” cho loài người cũng đều đáng trân trọng.