Cố đô Hoa Lư được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 và là một trong 3 vùng lõi của danh thắng Tràng An. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, cảnh quan của Cố đô Hoa Lư đang dần mất đi bản sắc, nhiều di tích đang trở thành phế tích.
Báo động đỏ
Theo tài liệu nghiên cứu, Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá, cảnh quan hùng vĩ. Hiện nay, những dấu tích lịch sử - văn hóa vẫn còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động... như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, đình Yên Trạch, chùa Ngần, lăng vua Lê, hang Muối, hang Quàn... Trong số đó, 14 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 8 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Đặc biệt, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành khởi đầu được xây dựng ngay trên nền móng của cung điện xưa để nhân dân thờ cúng, tưởng nhớ công lao của các bậc tiên đế, đến thế kỷ XVII được tu sửa, xây dựng lại với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Với những giá trị văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Cố đô Hoa Lư là một trong 3 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là di sản kép (văn hóa và thiên nhiên) đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, tác động đô thị hóa, cảnh quan khu vực đang có biến đổi theo chiều hướng mất dần bản sắc riêng độc đáo. Theo Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - KTS Đặng Khánh Ngọc, trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích trong khu di tích Cố đô Hoa Lư, đặc biệt là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, xây dựng các tuyến kết nối. Tuy nhiên, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư vẫn còn chưa xứng tầm với những giá trị văn hóa, lịch sử. Ở đó, có tình trạng nhiều khu vực trong khu di tích đang dần bị đô thị hóa, cảnh quan hai bên dòng sông Sào Khê lịch sử đang ngày bị lấn chiếm và ô nhiễm; nhiều di tích đã trở thành phế tích... các đoạn tường thành đa số chỉ còn dấu vết mờ nhạt, nhiều đoạn bị xâm hại. Điểm nhấn của toàn bộ Khu di tích quốc gia đặc biệt là khu vực đền vua Đinh, đền vua Lê và sân lễ hội phía trước hai ngôi đền đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng nhưng vẫn chưa đồng bộ.
Cần sự đầu tư đồng bộ
Có thể nói với các di tích lịch sử, văn hóa nói chung và cố đô Hoa Lư nói riêng, câu chuyện tu bổ, tôn tạo và phát huy vẫn luôn là bài toán nan giải bởi sự thiếu đồng bộ.
Đơn cử như lĩnh vực khảo cổ, theo TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia, câu chuyện ở Hoa Lư, cần phải có mục đích cao hơn, phục vụ được đông đảo khách tham quan. Ở đó, bằng những bình đồ kiến trúc với những đơn nguyên được xác định chức năng và tên gọi, bằng những kiến giải qua mô hình, bản vẽ và hiện vật…, dù ở mức độ giả thiết, nhưng phải bộc lộ trước thị giác của người xem. Ông Quân cho rằng, đó là những công việc không thể thực thi một sớm, một chiều, khi khu di tích Hoa Lư, với hạn chế của nó là diện tích khai quật rất hạn hẹp, di tích đền thờ đang nằm trên di tích kinh đô, xóm làng hiện đại ken dày, chồng trên những phế tích… Với giá trị quốc gia đặc biệt, Cố đô Hoa Lưu cần phải có một nhà trưng bày bổ sung. Nội dung được thể hiện trong đó, hẳn sẽ vô cùng phong phú, nhưng nổi bật và ấn tượng phải là cố đô Hoa Lư, với những diễn giải về quá trình hình thành, kiến trúc, văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, được coi như là những “hóa thạch” (nếu còn) của sinh hoạt hoàng gia.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, trải qua biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, diện mạo vật chất của Cố đô Hoa Lư chỉ còn lại những dấu vết khảo cổ dưới dạng phế tích kiến trúc. Với trường hợp khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, chúng ta có thể gắn kết ,tích hợp đa mục tiêu trong yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và “Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao”. PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, từ một không gian văn hóa, Cố đô Hoa Lư ngày nay chỉ còn lại dư ảnh, còn về bản chất không gian văn hóa đó đã gắn liền với văn hóa làng xã với nền tảng kinh tế là nông nghiệp và thủ công, với cư dân căn bản là nông dân. Do đó, việc kết hợp 3 mục tiêu lớn nêu trên giúp tạo ra nguồn lực tổng hợp để bảo tồn không gian văn hóa đặc sắc chứ không chỉ là các điểm di tích đơn lẻ tách biệt.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Cô đô Hoa Lư, mới đây tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Cố đô Hoa Lư”, rất nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất, nên xem xét đề xuất Quy hoạch khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư thành Công viên lịch sử Trung tâm Cố đô Hoa Lư nhằm bảo tồn trọn vẹn các vết tích và di tích trên mặt đất, các di chỉ khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong phạm vi vùng lõi giả định của cố đô.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn khung cảnh thiên nhiên của khu di tích cần phải định hướng là tài nguyên lịch sử đặc trưng, nhằm tạo nên đối tượng, nội dung và điều kiện cho tham quan, du lịch cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng khác, làm cho khu di tích này có khả năng thu hút riêng trên nền của kỳ quan Tràng An cùng các công trình tâm linh ngày càng mở mang. Định hướng này có khả năng đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, dung hòa được một số nguyên tắc có xu hướng đối nghịch khi giải quyết vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư.