Qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực.
Sáng 9/11, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và đại diện lãnh đạo Hội Tự động hóa, phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”- một hoạt động trong Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hàng năm lần thứ 3 đã mở đầu loạt hoạt động của Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đức Hiển khẳng định: Trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đã được Đảng, nhà nước quan tâm, thực hiện xuyên suốt. Nội hàm, nội dung về CNH, HĐH đất nước đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện qua từng kỳ Đại hội Đảng.
Qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới.
Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HĐH; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên (theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019), phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.
Tuy vậy, ông Hiển thẳng thắn đánh giá, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra , chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.
Nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước...
Giải thích thêm, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phân tích về những điểm nghẽn của nền công nghiệp Việt Nam. Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…)
Nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém: tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Rồi, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất: bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.