Ngày 11/12, tại Hà Nội, Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp - ĐHQGHN phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0”.
Quang cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên sự chủ động của nước ta còn hạn chế. Hội thảo đã đưa ra nhiều nguyên nhân, cũng như giải pháp để mỗi tổ chức, cá nhân chủ động hơn trước bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0.
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, ThS Phạm Hồng Quách (Giám đốc Trung tâm Đánh giá khoa học và định giá công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu thực trạng: Khác với các nước đã phát triển khác, ở nước ta các mối liên kết giữa người dùng với nhà sản xuất được nhấn mạnh là cơ sở chung cho sự sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ, các kết quả điều tra về nghiên cứu, triển khai, tính sáng tạo và khả năng đổi mới công nghệ cho thấy mức độ liên kết giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp là khá yếu. Đối với chuyển giao công nghệ, mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu trong nước với doanh nghiệp hiện nay đang là những liên kết ngắn và đứt…
“Để nền kinh tế có thể hoà nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Sau hơn 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Việt Nam cần xây dựng chiến lược, cần làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”- ThS Phạm Hồng Quách nhấn mạnh.
Tại Hội thảo cũng có nhiều ý kiến bàn về vấn đề nâng cao và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0. Ở tham luận “Phát triển nguồn nhân lực số ở Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0”, các chuyên gia nghiên cứu đề tài này cho biết: Việt Nam được dự báo là một trong số các quốc gia sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất của cuộc CMCN 4.0, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực. Với lợi thế đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có những lợi thế riêng nhưng cũng có những thách thức đáng kể trong thời kỳ CMCN 4.0. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Cũng theo tham luận này, cuộc CMCN 4.0 với những công nghệ mới được tạo ra, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp, có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ, hay nói cách khác, cần “tài năng” nhiều hơn là “kỹ năng”. Cuộc CMCN 4.0 cần nguồn nhân lực có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này.
Muốn vậy, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Theo các đại biểu, giải pháp trọng tâm là đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó cần thực sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…