Với con số trên 5.000, các làng nghề trên cả nước đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu đang đẩy các làng nghề của nước ta đối diện với bài toán về môi trường…
“Đất trăm nghề” đối diện ô nhiễm
Tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nhưng làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) cũng từng được nhắc tới là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu phát sinh từ quá trình đốt lò nung gốm.
Trao đổi với PV Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Văn Sửu, một người dân có thâm niên gắn bó với nghề làm gốm Bát Tràng cho biết, việc sử dụng các lò nung truyền thống như lò ếch, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than một thời gian dài khiến cho môi trường sống nơi đây bị ô nhiễm khá nặng nề, người dân bị ám ảnh với tình trạng khói bụi than cũng như phế phẩm được để bừa bãi, rất mất mỹ quan đô thị. Cũng theo ông Sửu, trước đây, khi sử dụng lò đốt kiểu cũ, mỗi mẻ gốm phải nung liên tục từ 6 - 8 ngày.
“Lao động phải làm việc hết sức nặng nhọc trong môi trường khói bụi, nóng bức; trong khi công nhân vận hành lò chỉ sử dụng kinh nghiệm, không thể làm chủ nhiệt độ cho phù hợp từng khâu. Do đó, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chỉ được khoảng 60%” - ông Sửu cho biết.
Mệnh danh là “đất trăm nghề”, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm khi với 272 làng nghề, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4…
“Xanh hóa” từ đầu tư công nghệ
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.
TS Bạch Quốc Khang - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề là một trong những trọng tâm của hoạt động sản xuất sạch hơn đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Đến làng gốm Bát Tràng những ngày này, người ta không còn chứng kiến cảnh khói bụi của lò than, tình trạng ngổn ngang phế phẩm trên những con đường làng. Nhiều nghệ nhân ở đây cho biết, Bát Tràng đã và đang tích cực “xanh hóa” bằng việc đầu tư công nghệ nung đốt hiện đại vào sản xuất.
Theo ông Khang, nếu như trước đây, mỗi ngày, làng nghề Bát Tràng tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... thì nay các lò than củi bụi bặm đều được thay thế bằng các lò nung gốm hiện đại chạy bằng khí gas, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Đến thời điểm này, Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Không chỉ Bát Tràng, nhiều làng nghề ở Hà Nội cũng đang thực hiện mục tiêu phát triển xanh để hướng đến một môi trường không ô nhiễm, không khói bụi. Đơn cử, một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng sản xuất sạch hơn, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Một số nghệ nhân tại làng nghề cho biết, khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, DN bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt.
“Song, kể từ khi thực hiện sản xuất sạch hơn, kết quả mang lại rất khả quan, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà DN không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường” - bà Hà Thị Thu Hằng, một người dân làng nghề Phú Vinh chia sẻ.
Không chỉ giải bài toán về môi trường, các làng nghề hướng đến phát triển xanh, sạch còn thu hút không nhỏ lượng khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải “đúp” cho bài toán kinh tế của các làng nghề hiện nay.
Số liệu của Bộ TNMT, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 5.000 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho khoảng 12 triệu lao động nông thôn. Song thực tế khá phổ biến tình trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường. Vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân ở vùng lân cận. Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.