Sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thiếu trầm trọng hệ thống xử lý nước thải… khiến cho kinh tế làng nghề đang phát triển ngược chiều với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Làm sao để cứu các làng nghề thoát khỏi thực trạng này? Đây là câu hỏi gây đau đầu giới chuyên gia, nhà làm quản lý lâu nay.
Ô nhiễm làng nghề đã ở mức báo động đỏ.
Nhiều làng nghề ô nhiễm nặng
Theo nhận định của giới chuyên gia, các sản phẩm của làng nghề hiện nay không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Các sản phẩm làng nghề đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới phải kể đến hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, lụa tơ tằm…
Tại các vùng nông thôn đồng bằng, hiện có khoảng trên 10 triệu lao động hoạt động ngành nghề phi nông nghiệp, chiếm 29.4% lực lượng lao động nông thôn. Ở các hộ bình quân có 3-4 lao động thường xuyên và 2-5 lao động thời vụ. Nhiều làng nghề đã thu hút trên 60% số lao động vào các hoạt động ngành nghề, trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, dệt Thụy Phương… Các ngành nghề nông thôn phát triển còn kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ liên quan, tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các làng nghề đang vấp phải những khó khăn mà xu thế hội nhập đặt ra. Đơn cử như vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động… Đáng chú ý, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún, hoạt động tự phát thiếu hẳn kỹ năng về xử lý chất thải… chính là những thách thức lớn cho hoạt động của các làng nghề hiện nay.
Theo ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường khiến đất đai, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. “Tình trạng này diễn ra hàng chục năm nay ở khắp các làng nghề tại Bắc Ninh như làng nghề Phong Khê, Đa Hội, Mẫn Xá, Đại Bái…”, ông Mẫn Ngọc Anh nêu lên thực trạng.
Thực tế không chỉ tại Bắc Ninh, mà hầu hết các làng nghề hiện nay trên cả nước đều chung tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), nơi đã nổi lên thương hiệu “lụa Vạn Phúc” nhiều thập kỷ nay, song tình trạng hoạt động thiếu thân thiện với môi trường cũng đang là vấn đề nổi cộm của làng nghề này. Ông Nguyễn Văn Thế, một người dân ở làng lụa cho biết, các hộ dân làm dệt nhuộm ở đây vẫn hàng ngày thải ra môi trường một lượng nước thải có hàm lượng cặn lớn, nhưng hầu hết lại không được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một kết quả khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa.
Với riêng thủ đô Hà Nội, một kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đưa ra một con số đáng quan ngại: 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Cứu nguy cho làng nghề
Để giải quyết một cách hữu hiệu cho bài toán khó đối với thực trạng các làng nghề hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những giải pháp mạnh, nâng cao chế tài đối với tình trạng gây ô nhiễm tại các làng nghề. “Trong đó, kiên quyết xử lý những hành vi đổ chất thải nguy hại từ một số làng nghề ra môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ- CP”, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh và để giảm thiểu tình trạng này, ông Mẫn Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp làng nghề, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại, hướng đến mục tiêu dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. “Đặc biệt, cần mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Ngô Trí Long cũng nêu lên bất cập, các làng nghề chính là điểm nóng về môi trường hiện nay. Theo ông Long, số làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều là một thực trạng nan giải về tình trạng ô nhiễm môi trường nhất định cần phải có lời giải thích đáng.