Khát khao vốn đầu tư, mong muốn được xếp vào danh sách kích cầu là những bày tỏ của các đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 10 của TP Hồ Chí Minh, với chủ đề “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP HCM”, diễn ra ngày 9/10.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sản xuất.
Thiếu vốn đầu tư sản xuất
Bà Lý Kim Chi-Chủ tịch Hiệp hội Chế biến lương thực, thực phẩm TP HCM phân trần: “Nói là ngân hàng hỗ trợ DN vay vốn, tuy nhiên rất nhiều DN không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”.
Bà Lý Kim Chi cho biết thêm, DN chế biến thực phẩm đa phần là DNNVV, thế nhưng ngân hàng cho xoay vòng vốn chỉ trong vòng 4-6 tháng.
Điều này nguy hiểm cho DN vì DN dễ dàng bị quá hạn. Ông Đỗ Phước Tống - Hội Doanh nghiệp cơ khí điện phàn nàn, muốn vay vốn đầu tư DN buộc phải có tài sản bất động sản để cầm cố.
Mà hầu như DN đã cầm cố bất động sản rồi sẽ không có khả năng tiếp cận vốn mới. Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách với ngân hàng thương mại để định giá tài sản sản xuất, thay vì tài sản bất động sản.
Liên quan đến thời hạn vay vốn không nhiều để DN có thể xoay xở kịp, ông Đỗ Phước Tống cho rằng, đối với ngành cơ khí vốn đầu vào khá cao, thời gian khấu hao thiết bị máy móc của ngành cơ khí rất dài nhưng ngân hàng chỉ cho vay trong vòng 7 năm thì quá khó cho doanh nghiệp. Nếu được, cho DN ngành cơ khí thời gian xoay vòng vốn trong vòng 10 năm.
“DN chúng tôi là 1 trong 4 DN được tham gia chương trình kích cầu. Dự kiến, doanh thu sang năm lên đến 4-5 triệu USD. Tuy nhiên, việc trả vốn quá sớm gây khó khăn cho DN”, đại diện một DN cho hay.
Theo DN này, tháng 8 năm nay được ngân hàng giải ngân thì năm sau đã phải trả vốn. 3-4 năm sau tỷ lệ trả nợ phải đạt mức 50%. Không chỉ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, hầu hết DN khẳng định, doanh nghiệp không vay được vốn, vay được thì lãi suất cao hơn các DN lớn từ 2-3%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho thành phố tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2016 giao động ở mức 18-20%. Hiện nay tăng trưởng của thành phố đã đạt 12%, từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 6-8%, tức là còn hơn 10.000 tỷ đồng. Thời gian qua ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố có phối hợp với 24 quận – huyện tạo điều kiện cho DN vay vốn.
Đề nghị hội các ngành nghề có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay thì cần trao đổi để các ngân hàng thương mại thẩm định vốn có lãi suất ưu đãi, hợp lý.
Về điều kiện cho vay, ông Minh khẳng định ngân hàng thương mại đang có nhiều hình thức ngoài thế chấp bất động sản, như: DN có phương án dự án khả thi, đảm bảo tài chính công khai minh bạch, tài sản đảm bảo...
Với tài sản đảm bảo, ngân hàng thương mại áp dụng nhiều loại hình: thế chấp bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai, dịch vụ bao thanh toán-cấp tín dụng cho DN bán hàng.
Bên cạnh đó nhiều ngân hàng còn cho vay tiền đồng bằng dựa trên doanh thu bán hàng của DN. Riêng vấn đề về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhấn mạnh, quy định trần cho vay ngắn hạn đối với DNNVV, DN xuất khẩu, DN có sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao,… đều ở mức trận là 7%.
Thèm được vay vốn kích cầu
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM nhận định, lãnh đạo thành phố rất quan tâm DNNVV, thế nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề chúng ta phải tiếp tục phấn đấu thêm để hỗ trợ theo yêu cầu của Thủ tướng. Chương trình kích cầu khá tốt nhưng không phải hầu hết DN được hưởng lợi.
Nhiều DN chưa thể tiếp cận được vì sợ khó khăn, chi phí… Nên tiếp tục thực hiện chương trình này và hỗ trợ DN tốt hơn. Nói về chương trình kích cầu của thành phố nhằm hỗ trợ DN, bà Trần Thị Bình Minh - Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình kích cầu hỗ trợ được 528 dự án với tổng số tiền 15.775 tỷ đồng.
“Chương trình này đạt hiệu quả cao, lý do khi bỏ 1 đồng ngân sách thu được 13 đồng từ xã hội. Chương trình này tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN trong thời gian”, bà Trần Thị Bình Minh thông tin về hiệu quả của chương trình.
Riêng chương trình kích cầu hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Phương Đông-Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, thành phố thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố để xem xét các dự án, hướng hỗ trợ.
Thời gian qua thành phố tổ chức 20 cuộc kích cầu đầu tư thành phố, có 25 dự án đến Sở Công thương tìm hiểu chính sách và xây dựng dự án. Trình thành phố được 4 dự án với tổng số vốn hơn 900 tỷ đồng. Các dự án còn lại đang tiếp tục xem xét trình tổ thẩm định và trình UBND TP HCM.
Ông Lê Thanh Liêm-Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, thành phố tiếp tục thực hiện một số chương trình đột phá, đặc biệt là hỗ trợ DN về vốn đầu đầu tư, vốn đổi mới công nghệ.
Thành phố đang có gói kích cầu vốn mồi 2.000 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi DN (thành phố có 290 ngàn hộ kinh doanh). Hy vọng thành phố khơi thông và phát triển DN mạnh hơn.
Theo lãnh đạo thành phố, bình quân mỗi năm thành phố có 25.000 DN mới thành lập. Hiện cả thành phố 287 ngàn DN, chiếm 1/3 DNNVV của cả nước. Dự kiến, năm 2016 sẽ có 295 ngàn DNNVV. DNNVV là thành phần kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách thành phố, khoảng 50% GDP.