Trong nền kinh tế xanh, nhu cầu về tín chỉ carbon có xu hướng tăng lên trong bối cảnh nhiều quốc gia cam kết về lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero), và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Theo thỏa thuận chung tại công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và những thỏa thuận quốc tế khác về khí thải nhà kính thì các quốc gia cần thực hiện việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường.
Theo đó, mỗi nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác. Thị trường carbon chính là một hệ thống giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, khi giao dịch trên thị trường, tín chỉ carbon trở thành một loại hàng hóa, nhưng để xác định chất lượng hàng hóa này thì không hề dễ dàng.
Theo TS Phạm Khánh Nam (Đại học UEH) thì tín chỉ carbon sẽ dựa trên cơ sở hoạt động phát thải khí nhà kính. Nếu DN thay đổi hoạt động để giảm thải thì có thể quy thành tín chỉ carbon. Tín chỉ này phải đủ chất lượng, được xác nhận thì mới có thể thành hàng hóa.
Còn bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, định giá tín chỉ carbon là một câu chuyện rất phức tạp, ngay cả trên thị trường quốc tế. Vấn đề nằm ở chỗ giá bán mà DN mong muốn chưa chắc đã được các bên mua đồng ý, nhưng nếu bán thấp quá thì DN lại không có động cơ để đầu tư, dễ dẫn đến vòng luẩn quẩn.
Tuy nhiên, vẫn theo đại diện PwC Việt Nam, việc có thị trường giao dịch tín chỉ carbon là đặc biệt quan trọng. Vì khi có thị trường, các DN mới có thể xác lập được kế hoạch đầu tư, trong tương lai, thậm chí tính toán được phần doanh thu có thể có từ việc bán tín chỉ carbon. Nhưng mấu chốt của việc xây dựng thị trường giao dịch nằm ở chỗ tiêu chuẩn của tín chỉ carbon đó.
Việc xác định tiêu chuẩn là rất quan trọng vì nếu không đúng chuẩn thì không bán được cho thế giới, mà ở thị trường trong nước nguồn nhu cầu là có nhưng nguồn lực tài chính thì khó mà cung cấp cho thị trường.
Bản chất của hệ thống kiểm soát phát thải là buộc các DN phải tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn, hoặc có cơ chế để DN tối ưu chi phí giảm phát thải nếu khó đầu tư trong ngắn hạn.
Đầu năm 2022, Chính phủ đưa ra danh mục lĩnh vực hoạt động và 1.912 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, được xác định dựa trên các tiêu chí như mức độ tiêu thụ năng lượng. Danh sách không chỉ có tên các nhà máy sản xuất ở địa phương, các lĩnh vực như điện, gang thép, may mặc, điện tử… mà còn là các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn. Đây được coi là bước đầu tiên trong lộ trình xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon trong thời hạn 5 năm để vận hành thị trường này là một mục tiêu rất thách thức.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều rừng sẽ có nhiều cơ hội hơn các nước khi tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu bởi ngành lâm nghiệp của Việt Nam đang nắm giữ một lượng tín chỉ carbon khổng lồ. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều, thị trường carbon ngày càng phát triển nhưng mức độ khan hiếm ngày càng cao, đó cũng là lợi thế của Việt Nam nếu bảo vệ rừng tốt.
Ông Phạm Hồng Lượng - Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới - khoảng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%. Cụ thể hơn, Việt Nam có diện tích rừng rất lớn, khoảng 14,7 triệu ha (trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, còn lại là rừng trồng). Việc bảo vệ gìn giữ diện tích đó đã đem lại giá trị to lớn trong tương lai vì tín chỉ carbon từ rừng - tổng lượng carbon của ngành lâm nghiệp khoảng 612 triệu tấn, đây là con số rất lớn.
Được biết, giá bán hiện thời trên thị trường thế giới khoảng 6.000 USD/tấn (theo tín chỉ carbon).