Vay tiêu dùng đang trở thành xu hướng khá phổ biến. Nói chung chương trình vay tiêu dùng hiện nay khá dễ dàng vì điều kiện vay không cần thế chấp và thủ tục cũng nhanh, nên được nhiều người chấp nhận, mặt dù lãi suất vay cao hơn nhiều so với lãi suất vay thế chấp.
Những quảng cáo cho vay tiêu dùng dán la liệt chờ người vay “sập bẫy”.
Thuận tiện, đơn giản, nhanh…
“Nội trong hôm nay nếu không đem tiền ra đóng, tôi chuyển công văn về cơ quan yêu cầu đình chỉ công tác và kiện anh tội danh chiếm dụng tài sản công ty, anh đừng tưởng làm ngành công an mà tôi không làm được gì”- Đó là nội dung tin nhắn đe dọa khách hàng do khách hàng cung cấp thông tin tới Phòng Bảo vệ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh. |
Với mức thu nhập chỉ được vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng lương cộng với lương của chồng làm công nhân cũng chỉ 5 triệu đồng/ tháng, chị Lại Minh Thu (phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị chẳng dám mua sắm gì, làm cả tháng chỉ lo đủ tiền học cho con và trả tiền thuê nhà là hết sạch cả tháng lương của hai vợ chồng. Vì thế, khi thấy có điện thoại mời gọi cho vay một khoản tiêu dùng với lãi suất hời, chỉ dao động từ 2-5%/ tháng, chị ưng luôn. “Vay với số tiền 25 triệu đồng, như vậy mỗi tháng tôi chỉ phải trả tiền lãi khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Lãi suất không quá cao, bên cạnh đó, các công ty tài chính có thể hỗ trợ vốn cho khách hàng chỉ sau 1 ngày, 1 giờ thậm chí là…15 phút. Trong khi đó, nếu vay tại các ngân hàng có thể phải chờ cả tuần, chưa kể có lúc không vay được vì không đáp ứng các điều kiện của ngân hàng”- chị Minh Thu chia sẻ và cho hay, với thủ tục nhanh gọn và dễ dàng như vậy, tôi đã ký hợp đồng với bên cho vay luôn và hầu như không đắn đo gì.
Chỉ một chữ ký là có tiền trao tay luôn, thủ tục nhanh gọn, thông suốt không rối rắm, mất thời gian như đi vay ngân hàng. Đó là lý do mà chị Minh Thu cũng như nhiều người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng vay tiền từ các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, mà không biết rằng, đằng sau đó là cả một chuỗi những điều phiền toái, thậm chí, nhiều người còn bị đe dọa đến tính mạng.
Theo chị Thu, sau khi đã vay được món tiền 25 triệu đồng từ một công ty tài chính và sắm được một chiếc ti vi, một chiếc máy giặt cho gia đình, thì đằng sau đó là chuỗi ngày mệt mỏi vì tin nhắn đòi nợ, thậm chí cả đe dọa. “Tôi cũng không ngờ rằng, thực lãi lại cao đến thế. Các công ty tài chính cứ đưa ra mức tưởng là thấp, nhưng kỳ thực là lãi suất “cắt cổ”, lên tới 70%/năm. Cả vốn cả lãi lên tới gần 50 triệu đồng. Đến kỳ hạn trả mà chúng tôi chưa trả kịp lãi, còn bị bên cho vay nhắn tin đe dọa này nọ, thậm chí dọa gửi công văn lên công ty để lãnh đạo can thiệp”- chị Minh Thu than thở.
Cũng là một khách hàng, nhưng đúng hơn là nạn nhân của việc vay tín dụng tiêu dùng, anh Nguyễn Văn Đức (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi nghe quảng cáo, chỉ cần có chứng minh nhân dân, không cần tài sản thế chấp là sẽ được vay ngay một khoản tiền có thể sắm được nhiều tiện nghi cho gia đình, anh lập tức đồng ý luôn. Nhìn bản hợp đồng dài nhiều trang, nhưng nghe mức lãi suất “dễ thở”, chỉ 3%/ tháng, anh Đức cũng chỉ lướt qua và ký ngay vào hợp đồng. “Song, đến lúc bên cho vay đòi tiền nợ, tôi mới té ngửa vì lãi suất thực lên tới 80%/ năm. Hợp đồng thì đúng là chữ ký của mình”- anh Đức than vãn.
... Nhưng nguy hiểm
Trường hợp của anh Đức và chị Thu chỉ là một trong vô số các trường hợp là nạn nhân của “cái bẫy” tín dụng tiêu dùng hiện nay. Theo chia sẻ của TS Đinh Thị Thanh Nhàn- Khoa Kinh tế & Luật, Trường Đại học Thương mại Hà Nội, thông thường, các công ty tài chính thường đưa ra mức lãi suất nghe rất “bùi tai” chỉ 2-3%/ tháng. Tuy nhiên, “mánh” của các công ty tài chính là in sẵn hợp đồng, với các điều khoản có lợi đối với bên cho vay, và bỏ trống để điền sau hoặc viết mập mờ mức lãi suất cho vay. Đến khi thực hiện hợp đồng, đến ngày trả nợ, người vay mới “ngã ngửa” với mức lãi suất cắt cổ, nhưng nếu có khiếu nại với các cơ quản quản lý, hợp đồng đã rõ ràng, chữ ký đầy đủ.
Ông Trịnh Anh Tuấn- Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được một số lượng lớn đơn khiếu nại, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực cho vay tín dụng tiêu dùng, cho thấy đây là lĩnh vực đang khá “nóng” ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người đi vay. Ông Tuấn cũng cho biết, nhiều người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại đến Cục cho biết, khi chưa kịp trả nợ, công ty tài chính còn cho nhân viên vào tận nhà để đe dọa cả người thân hoặc hành hạ bằng việc thay nhau điện thoại liên tục từ 6h sáng đến 22h đêm, gọi cho cả người thân để gây áp lực hoặc hăm dọa đủ điều, nhắn tin đòi kiện ra tòa.
Ông Tuấn khuyến cáo, vay tiêu dùng đang trở thành nhu cầu lớn của xã hội, người dân có thể chọn vay tại các kênh khác nhau vì sự thuận tiện, đơn giản, nhanh. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn vay ở các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng, khách hàng vay tiêu dùng nên cẩn trọng nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng, tránh rơi vào tình trạng bị hớ với các mức lãi suất cho vay cắt cổ.