Những ngày gần đây, nguồn cung xăng khó khăn. Tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, người dân, doanh nghiệp gặp khó khi mua xăng. Nhiều nơi xuất hiện những “cây xăng cục gạch” lại càng khiến tình hình thêm nóng. Cũng chính vì thế mà mạng xã hội nói rằng giá xăng có thể tăng lên đến 100.000 đồng/lít.
Hôm nay, 11/11, theo quy định liên bộ 10 ngày 1 lần sẽ điều chỉnh giá xăng dầu, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cho rằng sẽ tăng giá. Tất cả những điều đó càng làm thị trường nóng hơn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc giá xăng dầu lên cao chót vót chỉ là thông tin giả, làm nhiễu loạn thị trường. “Chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu nên giá xăng dầu sẽ sớm ổn định” - ông Hải cho biết.
Còn theo giới chuyên gia tài chính, giá xăng dầu sắp tới sẽ còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), họ đang “gom” nhiên liệu tích trữ cho mùa Đông. Còn tổ chức xuất khẩu dầu OPEC và OPEC+ đã chính thức giảm lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày. Vi thế, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên cũng không phải là quá ngạc nhiên.
Với Việt Nam, hiện chúng ta tự chủ được 70% xăng dầu cho thị trường trong nước; 30% nhập khẩu. Mới đây, 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết sẽ tăng năng suất tới 120%. Điều đó cho thấy không có chuyện đứt gãy nguồn cung. Việc nhiều cây xăng thời gian qua tạm ngừng bán hàng cũng sẽ không kéo dài lâu.
Nhân đây cũng cần nói thêm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Không ít ý kiến cho răng cần bãi bỏ quỹ này. Tuy nhiên, trong tình huống cụ thể thì việc trích quỹ để kéo giảm giá xăng dầu là cần thiết và hiệu quả. Quỹ bình ổn là quỹ tài chính trích lập nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước. Khi giá xăng dầu biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu giảm biên độ biến động của giá; ổn định giá xăng dầu trong nước trong những tình huống biến động khó dự báo.
Như vậy, sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất có tác dụng. Không thể có việc giá xăng vọt lên đến cả trăm nghìn đồng 1 lít. Mới đây nhất, ngày 9/11, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 7881 gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Văn bản nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, trục lợi, vi phạm pháp luật.
Như vậy, về quản lý nhà nước đã rất linh hoạt và thông thoáng nên việc đứt gãy chuỗi cung ứng cung như giá xăng dầu không thể vọt lên như những thông tin giả, gây hoang mang dư luận.