Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 375 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2023.
Đáng chú ý, tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.
Về thị trường, theo Vasep, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như: Mỹ, Trung Quốc, EU. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm hoặc chỉ tăng nhẹ những tháng trước đó thì trong tháng 7, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Đối với thị trường Mỹ, bà Kim Thu - chuyên gia về về thị trường tôm của Vasep cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng 16% đạt 89 triệu USD trong tháng 7. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 391 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm.
Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôm đông lạnh vẫn là mặt hàng dẫn đầu trong top các sản phẩm bán lẻ bán chạy nhất tại Mỹ.
Đối với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này có xu hướng phục hồi trong tháng 7 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng.
Bà Kim Thu nhận định, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh. Do đó, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.
“Đối mặt với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình. Ví dụ như thị trường Hoa Kỳ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hầu hết DN đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…Có DN thì chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn” - bà Kim Thu cho biết.
Mặc dù ngành tôm đang gặp nhiều thách thức nhưng theo lãnh đạo Vasep, nửa cuối năm, kỳ vọng các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại.
Tuy nhiên, các DN cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để giảm thiểu các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ; quy định về hạn ngạch tại Hàn Quốc... đang tác động trực tiếp đến khả năng lớn mạnh của ngành xuất khẩu tôm. Nếu tất cả sự kỳ vọng diễn ra theo kịch bản có lợi cho con tôm thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành tôm năm 2024.