Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam lần đầu tiên ban hành Bộ Quy tắc về ứng xử văn minh du lịch được dư luận hưởng ứng, tuy rằng việc làm này hơi muộn. Khi chúng ta đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc làm sao để ngành công nghiệp- dịch vụ này phát triển, chứ không phải mãi mãi ở dạng tiềm năng thì cần nhiều giải pháp. Trong đó, việc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là điều không thể không làm.
Du khách thực sự ngại ngần trước đội quân bán hàng rong.
Theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL, Bộ Quy tắc gồm 2 chương, trong đó quy định cách hành xử của cá nhân hay tổ chức được định hướng mang tính chuẩn mực văn minh đối với du khách người Việt đi du lịch trong và ngoài nước, cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Cũng cần nói ngay rằng, trước khi có bộ quy tắc này thì Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Đà Nẵng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch của riêng mình.
Còn Hà Nội cũng vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong thành phố, định hướng những việc “nên làm” và “không nên làm” tại 9 khu vực công cộng, nhưng không bắt buộc.
Trong Bộ Quy tắc của Bộ VHTTDL, đối tượng là khách du lịch yêu cầu tuân thủ các quy định, nội quy hoạt động, biển báo, hướng dẫn của người quản lý tại điểm đến hoặc khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng; xếp hàng theo thứ tự khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng; ưu tiên giúp đỡ người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi đi du lịch; mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sỹ, lễ hội truyền thống; tôn trọng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương tại điểm đến...
Cùng đó là việc không chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào mất trật tự và có hành vi bạo lực khi đi du lịch; không khắc, vẽ lên tường, tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc...
Như vậy là khá chi tiết. Nhưng, đó cũng là điêu lẽ ra không cần quy định thì ai cũng phải thực hiện, vì đó là sự ứng xử phải có của mỗi người bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Không ít hướng dẫn viên du lịch từng cho rằng, “đi” với khách Tây rất ổn; trái lại, đi với khách trong nước rất dễ bị ức chế. Quan trọng nhất là có nói, có nhắc nhở thì khách vẫn để ngoài tai, muốn làm gì thì làm theo ý mình một cách tùy thích. Đã thế lại còn hay bắt bẻ, làm khó hướng dẫn viên những chuyện không đâu vào đâu.
Ngược lại, với không ít nơi tổ chức tour đã “đem con bỏ chợ”, lúc “mơi” khách thì nói ngon nói ngọt, hứa hẹn đủ điều, nhưng khi “cá đã cắn câu” thì “tiền thầy bỏ túi”, dịch vụ bết bát, kể cả khách bị bỏ đói. Khai thác khách một cách quá đáng là tâm lý và cách hành xử khá phổ biến của các đơn vị tổ chức du lịch.
Lợi nhuận đã lấn át tinh thần thái độ phục vụ, lấn át cả tình người. Họ chỉ nghĩ tới đồng tiền trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài, không nghĩ đến kinh doanh một cách bền vững.
Sở dĩ họ thực hiện được điều đó là do mấy năm nay phong trào du lịch bùng phát, nhất là vào mùa cao điểm. Khách du lịch rất ít cơ hội lựa chọn dịch vụ xứng đồng tiền bát gạo bỏ ra; mà có chọn lựa cũng khó thành bởi vây kín bốn chung quanh là cơ man những “nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp” với vô số kiểu quảng cáo trên trời dưới biển.
Cũng cần nói đến địa phương nơi có điểm du lịch. Trách nhiệm của địa phương là rất lớn, nhưng hầu như ít thấy điều đó. Ví như chuyện “chặt chém”.
Năm nào cũng vậy, khi du lịch vào mùa là giá phòng nghỉ, giá đồ ăn thức uống lại lên giá vù vù, tới vài ba lần so với lúc thấp điểm. Không ít nơi, trước mùa cao điểm, chính quyền tuyên bố hùng hồn là không để xảy ra nạn chặt chém- cốt là để du khách an tâm.
Nhưng chặt chém vẫn diễn ra với tốc độ và cường độ ngày một lớn hơn, mạnh hơn. Khách bực tức, ấm ức nhưng không biết kêu ai, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nước ta được thiên nhiên ban tặng nhiều vùng địa lý rất đẹp, cả ở miền núi, đồng bằng và ven biển, biển đảo. Cùng đó là rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử, một quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Như người ta vẫn nói, đất nước có quá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng thực tế cho thấy tiềm năng đó không thể phát huy hiệu quả khi mà cung cách làm du lịch vừa nghiệp dư lại vừa ăn xổi; khi mà chính quyền địa phương không thực sự vào cuộc “dẹp loạn”.
Người đi du lịch phải ứng xử tử tế, văn minh; nhưng nơi tổ chức du lịch, địa phương có điểm du lịch cũng phải “tử tế” thì hoạt động du lịch nói chung mới tốt lên được. Còn không, cho dù có Bộ Quy tắc ứng xử, có cả Luật Du lịch đi chăng nữa thì sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Trở lại vấn đề, Bộ Quy tắc là tốt, tuy rằng nó không có chế tài bắt buộc.
Vì thế quan trọng vẫn phải là chuyện nâng cao ý thức, là chuyện thay đổi tư duy “mì ăn liền” và thay đổi cả cách hành xử của chính quyền địa phương. Nói như ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì Bộ Quy tắc ứng xử đưa ra những thông điệp để truyền thông, giáo dục, mang tính chất định hướng cho các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động du lịch, chứ nó không thay thế quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Liệu Bộ Quy tắc ứng xử này có thay đổi được diện mạo du lịch của đất nước? Cần có thời gian mới rõ được, nhưng nói như ông Hoàng Hữu Lộc- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist thì việc cơ quan quản lý nhà nước về du lịch công bố bằng văn bản một bộ quy tắc điều chỉnh hành vi trong du lịch là một tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, với tình hình ngổn ngang như hiện nay thì sau văn bản này cấn có các văn bản với các biện pháp chế tài để tạo kỷ cương. Từ đó mới tạo được hình ảnh tốt đẹp trong mắt du khách, cả trong nước và nước ngoài.