Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Dù được WHO đánh giá cao trong phòng chống Covid-19, nhưng đây mới chỉ là hiệu quả bước đầu, Việt Nam sẽ không chủ quan, sẽ tiếp tục nỗ lực chống bệnh dịch một cách có hiệu quả bằng những giải pháp cụ thể.
Chủ động phòng chống dịch Covid-19, từ người lớn tới trẻ em.
Vì sao WHO lại đánh giá cao Việt Nam trong việc phòng chống có hiệu quả với virus corona mà cả thế giới đang khiếp sợ là bởi, ngay khi nắm được thông tin bệnh khởi phát từ Trung Quốc, chúng ta đã chủ động phòng ngừa, chủ động các biện pháp chống dịch khi ý thức rằng nước ta có chung đường biên giới với Trung Quốc, bệnh dịch có thể xâm nhập lãnh thổ Việt Nam bất kỳ lúc nào.
Quả thật, chẳng bao lâu khi thành phố Vũ Hán bùng phát dịch, có một số công dân Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 đã đến Việt Nam hay như những công dân Việt Nam đến học tập tại Trung Quốc khi trở về đã trở thành nạn nhân của bệnh dịch, tiếp tục lan truyền bệnh cho bất kỳ ai vô tình tiếp xúc với họ.
Trước sự lây lan có thể tăng lên theo cấp số nhân nếu không có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn bệnh dịch, ngay lập tức Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ thị, công điện, thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch và liên tục họp, ban hành các giải pháp chống dịch như chống giặc. Theo đó, các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc để chặn đường lây lan của bệnh dịch. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” lan truyền từ trên xuống dưới. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chống dịch.
Vì vậy, cho đến nay, dù là nước láng giềng của Trung Quốc nhưng tới giờ phút này Việt Nam mới có 16 trường hợp nhiễm chủng mới virus corona, đã có 5 ca xuất viện và đáng mừng là chưa có bất kỳ trường hợp nào chết vì virus corona. Đây là con số ấn tượng bởi rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ dù ở xa Trung Quốc nhưng số người bị nhiễm virus corona không chỉ dừng lại ở con số 16 mà cao hơn nhiều.
PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự Phòng nhận định, dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát và mặc dù đã ghi nhận 16 ca dương tính, song, cả 16 trường hợp đều lây nhiễm từ những người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Điều đó có nghĩa dịch bệnh vẫn chưa lây nhiễm tràn lan ở nước ta. Một điều đáng mừng khác là nước ta có kinh nghiệm trong chống dịch. Trong 17 năm qua, kể từ khi ghi nhận SARS là dịch bệnh lây mạnh mẽ từ người sang người, Việt Nam đã đối phó với SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1, đại dịch MERS- nCoV... và đều đạt kết quả rất tốt. Hơn nữa, tiềm lực của nước ta cũng lớn hơn trước rất nhiều.
Đồng tình với nhận định này, WHO cho biết: Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, đã tăng lên đáng kể, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. - theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) (2005). “Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid-19”-WHO nhận định.
Đồng thời WHO cũng khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh và khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.
Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề ra các giải pháp phòng chống dịch một cách có hiệu quả. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương coi công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động, cần chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại một phần kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đặc biệt cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”; có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để dịch bệnh lây lan.
Không lơ là nhiệm vụ chống dịch nhưng cũng không được phép quên nhiệm vụ phát triển kinh tế. Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh nCoV đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải, dịch vụ cần cập nhật tình hình cho kịch bản tăng trưởng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đề ra.