Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Khởi sắc tại nhiều thị trường
Theo Vasep, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, sau đó đến Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác. Đối với thị trường Hoa Kỳ, riêng phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Hoa Kỳ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ
Bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP cho hay, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ fillet đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn như fish sticks hay fish burgers, đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này.
Theo bà Hằng, tính đến 15/5/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Với thị trường châu Âu, Đức đã vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ngoài ra, nhiều thị trường trong khối châu Âu tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%…
Châu Âu được các doanh nghiệp cá tra đánh giá là thị trường cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra tại thị trường này cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhiều triển vọng để ngành thủy sản cán đích
Cùng với xuất khẩu cá tra, nhiều mặt hàng thủy sản cũng có tăng trưởng dương. Theo VASEP, tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Đáng chú ý trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%. Lũy kế đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.
Thị trường ấm dần lên, đơn hàng tăng trở lại, với những dấu hiệu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhận định, ngành thuỷ sản sẽ đón nhận những khởi sắc rõ nét, kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu trong khoảng 10 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song với ngành cá tra, đại diện VASEP cho rằng, phục hồi và tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm 2024 sẽ không dễ dàng trước những diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với xung đột ở Trung Đông, với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này. Do đó, VASEP khuyến cáo các DN xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đây cũng là những yếu tố quan trọng để DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào châu Âu...
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng DN thủy sản cùng các địa phương và cơ quan nhà nước cần tiếp tục chung tay gia tăng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống. Đồng thời, thâm nhập và khai thác thêm các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN… Các DN cần tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam.