Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi khi nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gia tăng.
Tăng nhu cầu tuyển dụng
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người, cao hơn nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Tại Hà Nội, tính đến nay có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 97,8% số công nhân, lao động trở lại làm việc. Đánh giá của các cấp công đoàn cho thấy, công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm. Tình hình công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, phấn khởi.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngay sau Tết có 72 đơn vị cần tuyển khoảng 1.280 chỉ tiêu, chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm gần 50% tổng số). Số việc cho người có trình độ cao đẳng, đại học gần 400, còn lại là trình độ trung cấp, kỹ thuật. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển công nhân sản xuất (chiếm tỉ lệ 34%), tiếp sau là kỹ sư xây dựng, nhân viên kinh doanh, thu ngân, nhân viên bán hàng...Nhiều nhất là may mặc, điện, điện tử, cơ khí, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ, sản xuất chế tạo, xây dựng.
Ngay trong quý 1/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự kiến tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và online các tỉnh, thành để kết nối người tìm việc và doanh nghiệp.
Còn tại TPHCM, đến đầu tháng 2/2023, tình hình lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định. Tính đến nay số công nhân quay trở lại làm việc đã đạt khoảng 95%. Gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong quý 1-2023 với số lượng hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 người, điện - điện tử 2.200 người, hóa nhựa 800 người, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng 1.000 người.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu lao động kịp thời, hiệu quả, trong tháng 2/2023, ngành chức năng thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như sàn giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ; chương trình tiếp sức người lao động khu vực Nam Bộ,…
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) nhận định, năm 2023 TPHCM cần khoảng 300.000 - 320.000 lao động. Trong đó, quý 1 cần khoảng 79.000 - 87.000 lao động, quý 2 khoảng 72.500 - 75.500 lao động, quý 3 khoảng 73.000 - 76.000 lao động và quý 4 cần 75.500 - 81.500 người. Theo FALMI, gần 70% nhu cầu tuyển mới trong năm 2023 tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30%. Nhu cầu nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%. Khu vực ngoài nhà nước chiếm gần 90% nhu cầu tuyển dụng.
Cũng trong những ngày đầu năm, tại Bình Dương nhiều xưởng, nhà máy ở các khu công nghiệp (KCN) ở Bình Dương đã nhộn nhịp, rộn ràng trở lại. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, sau Tết có 95 DN cần tuyển thêm 13.350 lao động. Những ngày này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang rất nhộn nhịp.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng khá lớn.
Sớm có phương án kết nối cung cầu lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ sẽ rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ..., để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.
Dự báo về cung cầu lao động trong năm 2023, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) kỳ vọng nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực. Trong đó, những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt.
Hiện có nhiều DN trên cả nước đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng. 268 nhu cầu đăng ký tuyển dụng với gần 4.000 chỉ tiêu tại Hà Nội, hay gần 500 DN tại TPHCM có nhu cầu tuyển thêm 14.300 người lao động ngành may mặc, giày da, điện – điện tử, hóa nhựa… đã mang đến những tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm.