“Một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối điều trị liệu pháp miễn dịch với kết quả khá tốt. Trước kia, bệnh nhân tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng, tuy nhiên sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch bệnh nhân đã duy trì đến hơn 1 năm và hiện vẫn đang được tiếp tục điều trị”. Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Bệnh viện K tổ chức về liệu pháp điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch - nghiên cứu của hai nhà khoa học vừa được Giải Nobel Y học 2018.
Liệu pháp mới đang mang lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân ung thư.
Kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư
Những ngày vừa qua, rất nhiều người dân quan tâm đến một liệu pháp điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch vừa đoạt giải Nobel Y học 2018, của 2 nhà khoa học Nhật Bản, Mỹ. TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Viện ung thư quốc gia, Bệnh viện K, cho hay tại bệnh viện từ cuối năm 2017 đến nay đã dùng thuốc miễn dịch cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư như phổi, hắc tố và một số ung thư khác. Kết quả bước đầu khá khả quan khi có thể giúp cho bệnh nhân giảm đau, kéo dài thời gian sống.
Theo bác sỹ Đào Văn Tú, mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (di căn), với các loại ung thư: hắc tố, ung thư phổi, đường tiết niệu, thận, bàng quang, đầu cổ, gan, phụ khoa…
Điển hình nhất theo dẫn chứng của BS Tú là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối điều trị liệu pháp miễn dịch với kết quả khá tốt. Trước kia, bệnh nhân tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng, tuy nhiên sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch bệnh nhân đã duy trì đến thời điểm này hơn 1 năm và bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị. Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng khác cũng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảm.
Sự thành công này đang tiếp thêm sức lực, niềm hy vọng cho các bệnh nhân ung thư. Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Quảng - Phó giám đốc Bệnh viện K cũng cho hay, cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, Bệnh viện K chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chi phí cho một chu kỳ điều trị bằng phương pháp miễn dịch lớn, khoảng 60-120 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một chu kỳ điều trị của bệnh nhân kéo dài khoảng 21 ngày.
Mỗi năm có 164 nghìn trường hợp mắc ung thư
Hiện mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 164.000 trường hợp mới mắc bệnh ung thư, tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và hơn 114.000 ca tử vong do ung thư, Tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Điều đáng lưu ý là có tới 60% người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đến khám ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Nếu như trước đây ung thư phổi, gan hay gặp ở độ tuổi trên 50 nhưng ngày nay người trẻ tuổi cũng mắc bệnh này.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, phần lớn ung thư phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý, ít vận động thể lực, ô nhiễm môi trường… Điều này khiến độc tố tích tụ, bủa vây và tấn công tế bào, tàn phá sức khỏe con người. Ngoài ra, đột biến gen cũng như các yếu tố từ ngoài môi trường vào tác động khiến cơ thể chúng ta có các đột biến gen từ đó hình thành khối u.
Tuy nhiên có một số nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Khoa học chia thành hai nguyên nhân khiến cơ thể nhiễm độc là nội sinh và ngoại sinh. Những yếu tố ngoại sinh có thể kể đến như: Môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, thói quen sinh hoạt…, yếu tố nội sinh như: Căng thẳng, lo âu. Về việc nhiễm độc tố các bác sĩ cũng cảnh báo, độc tố tích tụ tại nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là các cơ quan hoạt động mạnh nhất như gan, thận, tim, phổi…thậm chí tích tụ cả trong xương.
Độc tố cũng rất đa dạng, mỗi độc tố có cơ chế, “thích” khác nhau. Có độc tố “thích” vào gan, có độc tố “thích” vào phổi. Độc tố có thể vào não, gan, thận, tích tụ nhất ở xương già. Khi người ta nhiễm độc chì thường tích tụ vào xương. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật, là thuốc diệt cỏ, diệt cỏ cháy có tên gọi Paraquat cũng đến gan thận phổi. Khi nhiễm độc chất diệt cỏ cháy, độc chất paraquat nhận thấy cao gấp 6 lần ở phổi so với trong máu.
Chủ động phòng bệnh
Đến bệnh viện K Trung ương hay tại các khoa ung bướu của các bệnh viện lớn ở thời điểm nào cũng thấy quá tải. Vậy làm thế nào để phòng chống bệnh ung thư? Các chuyên gia y tế cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần chủ động thải độc cơ thể, ngăn ngừa ung thư bằng cách tạo cho mình những thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, rượu bia, luôn giữ một tinh thần thoải mái, vui vẻ. Còn để dự phòng nhiễm độc, ngăn ngừa ung thư, nhất thiết phải có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có màu xanh sẫm, đỏ, vàng như nghệ, tỏi, cà chua, các loại cải lá xanh.
Bên cạnh một chế độ ăn uống lành mạnh cùng nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ruột kết. Những người tham gia ít nhất một hình thức thể dục ở mức độ vừa phải sẽ giảm nguy cơ ung thư dạ dày 50% so với những người không tập thể dục.
* Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018, công bố hôm 1/10. Bản chất là dùng các loại thuốc nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Từ nền tảng nghiên cứu của hai nhà khoa học này, ngành dược đã sản xuất ra các loại thuốc miễn dịch tương ứng để sử dụng. Ở nước ta, thuốc miễn dịch được chính thức cấp phép sử dụng từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện lớn.