Tinh giản biên chế

Nam Việt 28/04/2023 07:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục vào diện tinh giản biên chế. Xung quanh vấn đề này có rất nhiều chuyện đáng bàn.

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả, qua sắp xếp đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã và tinh giản biên chế được hàng nghìn cán bộ, công chức. Như vậy trên phạm vi cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Cụ thể, đã giảm được 361/706 cán bộ, công chức cấp huyện (bằng 51,1%) và 6.657/9.705 cán bộ, công chức cấp xã (bằng 68,6%).

Lâu nay, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Vì đó là công ăn việc làm, là “kế mưu sinh” của không ít người. Tuy nhiên, bộ máy cồng kềnh thì ai cũng nhìn thấy và không chấp nhận. Vì vậy việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm chính là “việc cần làm ngay” nhưng nhiều năm qua hiệu quả chưa cao. Như một lẽ thường tình, những người không đủ điều kiện tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ thuộc diện tinh giản biên chế. Tuy nhiên để làm được, không dễ.

Theo Điều 6 Nghị định 108/2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 113/2018, Điều 1 Nghị định 143/2020 của Chính phủ, sẽ có 14 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế năm 2023.

Những người thuộc diện tinh giản biên chế trước hết là dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhân sự theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác. Đáng chú ý, người đó có 2 năm liên tiếp tại thời điểm xét tinh giản biên chế không hoàn thành nhiệm vụ. Kể cả cán bộ, công chức có 1 năm xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế. Những người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế trong từng năm hoặc năm trước liền kề có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau; và cá nhân tự nguyện tinh giản.

Tuy nhiên, quy định tinh giản cũng không cứng nhắc vì thực tế cho thấy thời gian qua số địa bàn cấp xã sau sáp nhập rộng, dân số tăng; dân số nhiều phường ở thành phố quá lớn, dẫn đến khối lượng công việc tăng lên, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã/phường. Chính vì thế, trong lúc cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng Bộ Nội vụ vẫn mạnh dạn đề xuất tăng biên chế cho cấp xã để giải quyết bài toán thực tiễn đặt ra, thông qua Dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố. Theo tính toán của Bộ Nội vụ, do yêu cầu thực tế cần tăng thêm 7.418 cán bộ, công chức cấp xã và 7.418 người hoạt động không chuyên trách.

Như vậy, việc tinh giản biên chế là “có ra, có vào” đúng với thực tế, chứ không cơ học, duy ý chí; tuy rằng việc sắp xếp lại bộ máy gọn, hiệu quả thông qua tinh giản biên chế là rất cần thiết.

Nhân đây, cũng xin được nói về những băn khoăn khi tinh giản. Đó là việc thiếu khách quan, người cần tinh giản thì “trụ lại”, người làm được việc thì phải ra đi, khiến cho guồng máy xộc xệch, kém hiệu quả. Không chỉ nói “tinh giản” là thực hiện được ngay, thực hiện đúng bởi đây là vấn đề liên quan đến con người, đến công tác tổ chức, công tác cán bộ. Để việc tinh giản thực chất thì cần phải minh bạch, công khai, công bằng với mọi trường hợp. Nhưng đây lại chính là điểm khó nhất. Việc tinh giản biên chế chỉ thực sự là “cây gậy pháp lý” khi đảm bảo sự công minh, đặc biệt là ở người đứng đầu địa phương, đơn vị. Nếu như tinh giản biên chế là để giảm bớt khâu trung gian, gọn nhẹ bộ máy nhưng không khắc phục được tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu thì sẽ vẫn là không tác dụng.

Vì thế, một lần nữa xin được nhắc lại vai trò vô cùng quan trọng, có tính quyết định của người đứng đầu địa phương, đơn vị là có thực sự công bằng hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO