Để đẩy nhanh việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sau Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội đã được ban hành để cụ thể hóa, giám sát quá trình tinh giản biên chế. Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận và chất vấn của Quốc hội vấn đề tinh giản biên chế vẫn được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhìn nhận là chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123 và Nghị định 10. Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định này, để giúp các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ về cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính nhà nước.
Nhiều câu hỏi
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tinh giản biên chế, chủ trương này bước đầu có những kết quả tích cực như giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế...Tuy nhiên, bên cạnh những nơi đã thực hiện nghiêm tinh giản biên chế vẫn còn có nơi làm đủ cách để giữ lại biên chế.
Một số đại biểu bày tỏ lo ngại khi kết quả tinh giản biên chế trong năm 2017 là 12.660 người, 6 tháng đầu của năm 2018 là 8.578 người thì sẽ gây áp lực rất lớn cho các năm còn lại khi thực hiện mục tiêu đến năm 2021 tỷ lệ tinh giản biên chế phải đạt tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.
Một số đại biểu đặt vấn đề, đối tượng tinh giản tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi chiếm 86,76%, người hưởng chính sách thôi việc ngay chiếm 13,15% và người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, như vậy là chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém?
ĐBQH tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng nêu thực tế: Việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối tiểu 10% từ nay đến năm 2021. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối , nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt...
Nguyên nhân của thực trạng này là do việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm. Nghị quyết 56 của Quốc hội đã nêu rõ, trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn bản về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực... Tuy nhiên, gần hết năm 2018 mà nhiều văn bản chưa được ban hành.
Từ thực tế trên, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công chức, Luật Viên chức... để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất một số cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Còn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ cho biết, việc tinh giản biên chế chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tinh giảm được các đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ và năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh, nếu chi thường xuyên vẫn cứ cao như thế còn đâu để đầu tư cho phát triển.
Chậm là do văn bản thay thế chậm
Trả lời các ĐBQH liên quan đến chậm ban hành các văn bản, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Nội vụ được giao điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi 12 Nghị định và khoảng 30 thông tư để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy. Tuy nhiên, có tình trạng chậm ban hành văn bản.
Theo đó, trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung sửa đổi 2 Nghị định là NĐ/ 24 và NĐ/37 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, sửa đổi Nghị định 123 là cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, Nghị định 10 về cơ cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ. Tất cả những văn bản trên phải phù hợp với Nghị quyết của Đảng để hướng dẫn các địa phương cơ cấu nâng cao chất lượng của bộ máy.
Chỉ rõ nguyên nhân chậm ban hành văn bản theo người đứng đầu ngành Nội vụ, thời gian qua là do chờ Hướng dẫn 34 của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất và tổ chức lại một số cơ quan của Nhà nước và cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng có chức năng tương đồng.
Tuy nhiên, đến nay, các Nghị định này đã được trình Chính phủ và thông qua Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị 3 nội dung: Khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; Tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính (số lượng người tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa cho từng đơn vị). Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ký và ban hành Nghị định 24 và Nghị định 37 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123 và Nghị định 10. Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định này, để giúp các địa phương sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ về cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính nhà nước.
ĐBQH Bùi Văn Phương: Chúng ta vẫn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Mục tiêu Nghị quyết Trung ương đặt ra là tinh giản bộ máy tổ chức biên chế nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Dường như, có một nhận thức là đang chủ yếu chạy theo tinh giản.
Xem xét xử lý trách nhiệm
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, từ tháng 7 đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 tỉnh, 4 bộ ngành. Qua đánh giá của các địa phương, Tổ Công vụ chỉ ra vấn đề chấp hành chưa nghiêm nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao, đặc biệt trong công tác quản lý cán bộ, công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, biên chế… “Đây là hậu kiểm kết quả thanh tra của các bộ ngành được kiểm tra và kiến nghị xử lý một số trường hợp vi phạm, đồng thời đề nghị các đơn vị tự khắc phục, xem xét xử lý trách nhiệm”- Bộ trưởng nói.
Còn theo ĐBQH Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), thì chúng ta vẫn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Trung ương đã chỉ đạo cụ thể là phải thận trọng, có bước đi thích hợp trong tinh giản biên chế. Cái gì chưa rõ thì thí điểm trước khi nhân rộng, cái gì còn ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu.
“Nhưng tôi theo dõi trong quá trình thực hiện, chúng ta có phần lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ. Mục tiêu Nghị quyết Trung ương đặt ra là tinh giản bộ máy tổ chức biên chế nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Dường như, tôi có một nhận thức là đang chủ yếu chạy theo tinh giản. Có một cái gì đó như là ai mà làm được nhiều tinh giản, sáp nhập là một thành tích. Thực tế, chúng ta có nhiều bài học và thậm chí là trả giá vì sáp nhập rồi. Tôi đơn cử như trường tiểu học và trung học cơ sở được đề nghị nhập với nhau để giảm bớt một lãnh đạo quản lý, bớt một kế toán và sử dụng chung được mấy giáo viên dạy môn phụ. Nhưng chúng ta có nghĩ là sau khi nhập lại thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động như thế nào? Đây là vấn đề. Hai trường này có hoạt động dạy và học khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta có cách giảm vị trí kế toán, dùng chung giáo viên môn phụ mà không cần sáp nhập trường. Nếu sáp nhập cơ học như vậy ở vùng cao thì các cháu sẽ đi học thế nào”- ông Phương nói.
* Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ, việc tinh giản biên chế chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tinh giảm được các đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ và năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Ngân sách không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Nếu chi thường xuyên vẫn cứ cao như thế còn đâu để đầu tư cho phát triển.