Chính trị

Tinh gọn để tăng hiệu quả, hiệu lực của bộ máy

LÊ ANH 16/04/2024 09:48

Theo phương án tổng thể giai đoạn 2023-2030, TPHCM có 80 phường thuộc 10 quận được đưa vào kế hoạch sắp xếp, giúp giảm 39 phường so với hiện nay.

anh-bai-duoi(1).jpg
Người dân làm thủ tục hành chính tại Văn phòng đất đai chi nhánh TP Thủ Đức. Ảnh: Anh Phương.

Mục tiêu của phương án sắp xếp được ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM giải thích, UBND thành phố muốn sắp xếp tối ưu các phường có dân số lớn nhưng không đạt tiêu chí về diện tích. Hơn nữa, thành phố cũng muốn tinh gọn bộ máy cho đồng đều, bảo đảm năng lực quản lý cơ sở hạ tầng hiện hữu như trường học, y tế, các hoạt động văn hóa - thể thao...

Phương án sắp xếp lại 80 phường, giảm còn 39 phường của TPHCM chủ yếu tập trung ở các quận trung tâm (các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận). Riêng các khu vực huyện vùng ven chưa đưa vào kế hoạch do nằm trong một đề án phát triển đô thị khác. Chẳng hạn, trường hợp huyện Nhà Bè nằm trong số địa phương đang có đề án đầu tư và xây dựng phát triển các huyện thành các đô thị trực thuộc TPHCM.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển, thành phố còn hướng đến các phương án quy hoạch TP Tây Bắc (gồm quận 12, huyện Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi) và TP khu Nam (gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh). Các phương án này hiện đều đã được đưa vào định hướng quy hoạch chung của thành phố, sắp tới sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.

Do các ưu tiên kể trên, nên chủ trương sắp xếp lại bộ máy cấp phường chủ yếu được tập trung vào các quận trung tâm, vốn đã hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng đô thị và đang phát triển ổn định. Khi đồng ý phương án sáp nhập 80 phường, giảm 39 phường cho TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã lưu ý, khi triển khai thực hiện, UBND thành phố phải đảm bảo việc sắp xếp vừa thận trọng, chặt chẽ, bài bản, khoa học nhưng vẫn tạo được sự thống nhất và đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư tại các phường tinh gọn. Đồng thời, thành phố phải phát huy tối đa tinh thần dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Nhất là, trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cần đưa ra được phương án sắp xếp cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo lộ trình phù hợp. Ngoài phương án sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận trung tâm kể trên, hiện các địa phương của TPHCM cũng đã hoàn tất việc lấy ý kiến của người dân về thực hiện sắp xếp khu phố, ấp. Trong tháng 4/2024, nhiều khu phố, ấp trên địa bàn thành phố tổ chức lễ công bố Nghị quyết 11 của HĐND thành phố về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp.

Việc sắp xếp lại bộ máy ở cơ sở giúp TPHCM tinh gọn, kiện toàn hoạt động quản lý nhà nước theo hướng có hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian và góp phần tiết kiệm chi ngân sách. Thế nhưng, song song với các lợi ích này, cần phải cân bằng với lợi ích của người dân và doanh nghiệp, lấy sự đồng thuận của người dân làm “kim chỉ nam” cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Liên quan đến các chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM từng có nhiều bài học quý báu trên thực tiễn gần đây, trong đó có trường hợp TP Thủ Đức. Tại Hội nghị lần thứ 21 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, đã đưa ra nhiều con số “biết nói”. Trong đó, sau khi rà soát, Trung tâm Hành chính công của TP Thủ Đức phải giải quyết số hồ sơ quá hạn trên địa bàn còn tồn đọng tới trên 644.000 hồ sơ. Để giải quyết, trung tâm đã phải có văn bản yêu cầu các cơ quan sở, ban, ngành của TPHCM phối hợp. Đồng thời, TP Thủ Đức cũng phải tăng cường phân cấp, ủy quyền hơn 200 nội dung cho thủ trưởng các cơ quan và cấp phường. Dù vậy, phàn nàn, bức xúc của người dân về hồ sơ nhà đất vẫn còn nan giải và kéo dài cho đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh gọn để tăng hiệu quả, hiệu lực của bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO