Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết nêu rõ: Đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thu gọn đầu mối. Ảnh: TL.
Vì sao phải cấp thiết sắp xếp, tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập là bởi, đây là đội ngũ ngốn một khoản tiền không nhỏ từ ngân sách nhà nước. Theo tính toán, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Nếu tính bình quân mỗi một biên chế nhận 5 triệu đồng/tháng, thì với hơn 2,5 triệu biên chế như vậy sẽ ngốn một khoản ngân sách không hề nhỏ.
Để đổi mới, sắp xếp tinh gọn lại các đơn vị sự nghiệp công lập, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thu gọn đầu mối qua đó giảm số người hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn, biên chế trong khối đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2011 - 2016 vẫn âm thầm tăng 165.000 người. Bên cạnh đó, 60,5% đơn vị sự nghiệp công lập vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Điều đáng nói là đầu vào biên chế sự nghiệp công lập vẫn cao hơn so với đầu ra của công chức. Nếu không đẩy mạnh tinh giản biên chế, cơ cấu lại những biên chế này một cách căn cơ, thì chỉ tiêu thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập không những không đạt mà tinh giản biên chế đối với khu vực này sẽ tiếp tục là con số âm.
Chia sẻ những lý do tinh giản biên chế ở khu vực đơn vị sự nghiệp công khó đạt được mục tiêu đề ra, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội - một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập - cho biết: Mọi sự thành bại là do chính đơn vị sự nghiệp công lập có tích cực, chủ động sắp xếp hay không. Biên chế thì ở đơn vị nào cũng thế, dễ vào và khó ra. Nhưng ngại khó thì không làm được và có đi thì mới tới đích. Phải giao quyền tự chủ, tự quyết cho chính các đơn vị và quyết liệt làm cho được. Nhờ sự quyết tâm này, năm 2016, Hà Nội có 2.596 đơn vị sự nghiệp công được giao quyền tự chủ tài chính, tăng 82 đơn vị so với năm 2011, trong đó có 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (tăng 15 đơn vị); 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (tăng 113 đơn vị); số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 (tăng 33 đơn vị). Số thu của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên.
Để sắp xếp tinh gọn biên chế đối với khối sự nghiệp, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 và cụ thể hóa những nhiệm vụ để từng bộ ngành địa phương dựa vào đó để thực hiện cho đúng.
Cụ thể, có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trong đó xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).
Để đạt được mục tiêu tinh giản 10% biên chế viên chức vào năm 2021 sẽ có rất nhiều việc phải làm. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, cần phải cho phép các đơn vị đó tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại họ phải vận động trên cơ sở có thu, có chi. Công chức, cán bộ trong bộ phận đó phải hưởng bằng các sản phẩm của đơn vị đó. Đặc biệt, với những khu vực phức tạp nhất, đụng chạm đến toàn xã hội, nhưng nếu tự chủ được thì việc đó sẽ rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Phúc thì việc tự chủ đó phải đảm bảo được hiệu quả, chất lượng.
Trong quá trình xã hội hóa không thể thương mại hóa mà Nhà nước khoán các chi phí như tiền lương, chi thường xuyên, trên cơ sở sản phẩm do đơn vị làm ra họ tái đầu tư phát triển nâng cao hiệu quả. Chẳng hạn, ở trong ngành y tế hiện nay, ngoài việc tự thu, tự chi còn có hai mảng là phục vụ theo dịch vụ bảo hiểm y tế và mảng cam kết tự chủ triệt để là chữa bệnh theo yêu cầu. Hiện nay nhiều bệnh viện đang thực hiện hai xu hướng này mà nhiều người có tiền, có điều kiện sẽ sử dụng.
Ngoài ra, cần phải có những chính sách và mô hình áp dụng với các vùng khác nhau. Theo ông Phúc, nếu như ở các trung tâm, các thành phố lớn thì việc xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập rất dễ và thuận lợi. Những địa điểm này cần phải cho xã hội hóa tối đa. Tuy nhiên, đối với các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì Nhà nước cần hỗ trợ với một mức độ hợp lý.