Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định lấy phát triển nhanh và bền vững làm mục tiêu. Trong đó, việc xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Xây dựng hệ thống chính trị năng động, minh bạch
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị năng động, minh bạch, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện việc đăng tải các văn bản pháp luật mới, các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình và Trang thông tin điện tử của ngành, địa phương. Thông qua đó, hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đã được triển khai sâu rộng tới nhiều đối tượng khác nhau, có tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội.
Trên cơ sở quyết định công bố thủ tục hành chính của các bộ, ngành Trung ương, từ năm 2011 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã Quyết định công bố 8.796 lượt thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, trong đó: Ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 5.707 thủ tục; hủy bỏ, bãi bỏ 3.089 thủ tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành đầy đủ, kịp thời các kế hoạch kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính để chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục thực hiện hiệu quả tại Bộ phận một cửa các cấp.
Năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng UBND tỉnh, đưa các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm.
Đến nay, 100% Bộ phận một cửa cấp huyện và 34% Bộ phận một cửa cấp xã đã được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phục vụ nhân dân. Phần mềm một cửa điện tử đã được kết nối từ tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã, với tổng số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa là 1.895 thủ tục; trong đó, cấp tỉnh là 527 thủ tục, cấp huyện là 251 thủ tục và cấp xã là 117 thủ tục (không tính các thủ tục hành chính đặc thù phải thực hiện trực tiếp trên các thiết bị, phương tiện và các thủ tục hành chính của các ngành: Công an, bảo hiểm xã hội, điện lực).
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là một trong những nội dung được UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo thực hiện hết sức quyết liệt nhằm tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có từ 80% chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và có từ 80% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Ở mỗi giai đoạn, tỉnh Hòa Bình phát huy tốt vai trò đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Trước những khó khăn và ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, người dân, Tỉnh ủy, UBND đã và đang sát sao chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đơn giản hóa các loại giấy tờ trong giải quyết, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh đã khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ, kịp thời, đúng đối tượng.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...
Đồng thời, cho phép gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cho phép các doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền cũng như quy định của pháp luật.
Các chế độ, chính sách được tổ chức thực hiện đảm bảo, kịp thời và hiệu quả đã động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, nghe và làm theo. Đặc biệt có thể kể đến là vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, người có uy tín bằng tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, truyền dạy chữ viết, giáo dục văn hoá, lưu truyền những nét đẹp văn hoá phi vật thể, đồng thời đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan.
Những chính sách, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị minh bạch đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân với doanh nghiệp góp phần trong việc hoàn thành những mục tiêu mà tỉnh ủy đã đề ra. Ở đó, mọi vấn đề đều nhận được sự nhất trí, quyết tâm từ các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.