Tại kỳ họp Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 đến 22/11/2023 tại Paris, Cộng hòa Pháp), hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam đã được thông qua. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của vị đại danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” là giá trị mà UNESCO thúc đẩy.
Đến nay, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam, như kỷ niệm 600 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Trãi (1980); 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 ngày sinh danh nhân Nguyễn Du (2015); 650 năm ngày mất nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm ngày sinh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) quê mẹ ở xứ Bầu Thượng (xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Không chỉ là nhà y dược học vĩ đại, ông còn là nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.
Cuộc đời và sự nghiệp của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật vô giá.
Thuở nhỏ, ông theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long. Lớn lên, sau một thời gian ngắn tham gia việc quân chính, ông về quê ngoại chăm sóc mẹ. Cũng chính thời gian này, với trí thông minh hơn người lại vô cùng cẩn trọng trong công việc, ông đã phát hiện những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học. Tâm nguyện và hoài bão suốt đời là “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, ông đã đúc kết tinh hoa y học dược nước nhà trong bộ “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các lĩnh vực trong y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Người đời sau coi đây là bộ Bách khoa toàn thư của y dược học Việt Nam.
Từ tấm gương sáng chói của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các thế hệ lương y nối tiếp đã xây dựng nên nền y học nước nhà. Trong đó, y học cổ truyền, nổi bật với thuốc Nam là thành tựu bất diệt. Trước khi có y học hiện đại (được hiểu là y học phương Tây) thì những bài thuốc Nam bình dị nhưng vô cùng hiệu quả đã trị bệnh, cứu sống biết bao con người.
Ngày nay, những bài thuốc cổ phương vẫn có giá trị lớn trong phòng bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực này cũng thật đáng tiếc khi một số người đã lợi dụng để trục lợi. Tự xưng là “lương y” nhưng họ lại đi ngược di huấn của tiền nhân. Y thuật đã sai, y đức lại càng vi phạm.
Trên mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều những quảng cáo hết sức vô lý, như “cam kết một tháng chữa dứt điểm bệnh tiểu đường”, “chặn đứng ung thư, trả lại cuộc sống”... Họ đã trục lợi trên đau khổ của người bệnh khi rao bán những liều thuốc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm nghiệm của cơ quan y tế.
Chưa hết, trong một số trường hợp, lại còn mượn danh của những bác sĩ nổi tiếng, giả danh bệnh viện lớn để bảo chứng cho việc làm thiếu lương tâm.
Cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều cá nhân, nhà thuốc mượn danh y học cổ truyền để làm bậy. Nhưng do lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp. Và như thế, nhiều người bệnh vẫn bị lừa, tiền mất tật mang.
Đề cao và tôn vinh y học cổ truyền vì thế lại càng không thể để cho những hành vi bất lương tồn tại. Không thể để tinh hoa của nền y học cổ truyền vững vàng trong hàng trăm năm, hàng ngàn năm bị lợi dụng, hủy hoại. Điều này rất cần đến tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng, không thể để lặp đi lặp lại tình trạng vàng thau lẫn lộn, đặc biệt đó lại là chuyện sức khỏe, mạng sống của con người.
Chỉ có như vậy, danh thơm của y học cổ truyền nước nhà mới được bảo toàn. Sự nghiệp vang dội của những bậc danh y xuất chúng như Y thánh Lê Hữu Trác mới không bị người đời sau hủy hoại.