Tuyến đường tỉnh lộ 4A có chiều dài hơn 14 km nối từ xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa đến xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương vẫn được tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Nhưng chỉ sau vài ba tháng vá víu thì lại hư hỏng.
Những “chiếc bẫy” giao thông
Không khó để nhận ra sự xuống cấp của mặt đường 4A bởi những ổ trâu, ổ gà giăng như thiên la, địa võng suốt tuyến. Là con đường huyết mạch, chạy qua các khu đông dân cư nên lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày trên tuyến đường này khá dày đặc.
Theo quan sát, người điều khiển phương tiện mỗi khi phải đi qua đây đều ở trong tâm trạng khó chịu, vì thường xuyên phải giảm tốc độ để né những chiếc bẫy chết người.
Người dân sinh sống dọc tuyến đường này cho biết, mặt đường liên tục nằm trong tình trạng bị hư hỏng, dù năm nào cũng thấy ngành giao thông tu sửa. Vào những ngày nắng nóng, bụi từ mặt đường bay mù mịt vào nhà dân mỗi khi có xe tải chạy qua, trời mưa thì các ổ trâu, ổ gà tạo thành những hố nước.
Nguy hiểm nhất là các ổ voi, ổ gà nằm xen lẫn với các đoạn đường đã được nâng cấp, sửa chữa theo kiểu “da báo”, khiến các phương tiện lưu thông trên đường không kịp xử lý, dẫn đến nhiều vụ tai nạn. Thêm vào đó, suốt hơn 14km đường không hề có hệ thống chiếu sáng, những đoạn đường bị xuống cấp càng trở nên khó quan sát trong đêm tối.
Do được xây dựng từ hàng chục năm trước nên toàn bộ tuyến đường này không có cống, rãnh thoát nước vì vậy khi trời mưa, nước không thoát được, ứ đọng lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mặt đường cứ bảo dưỡng xong lại hỏng.
Ông Nguyễn Văn Thành - một người dân sinh sống tại xã Quảng Giao cho biết: Tuyến đường này thường xuyên được chủ đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp, tuy nhiên, chỉ được một vài tháng, đâu lại vào đấy… “Gần như mỗi năm một lần, họ đưa máy lu, xe nấu nhựa đến vá và thảm những đoạn bị bong tróc, hư hỏng nặng. Nhưng cũng chỉ được ít hôm, các chỗ vá lại bị bung lên như chưa hề được tu sửa. Gần như họ chỉ làm cho có”, ông Thành bức xúc.
Không hiệu quả
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Hoàng Vũ Thạo - quyền Trưởng phòng Quản lý và Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2019 trở về trước, tuyến đường do Sở GTVT quản lý và phụ trách luôn việc duy tu bảo dưỡng hàng năm. Đến đầu năm 2020 mới giao lại cho Phòng Quản lý và Bảo trì đường bộ trực tiếp theo dõi và bảo trì.
Trước việc xuống cấp của mặt đường, 2 lần gần nhất là vào các năm 2019 và 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí (mỗi đợt 2 tỷ đồng) để tu sửa, vá lại các ổ trâu, ổ gà. Hiện tại, Phòng đã nắm được thực trạng, tuy nhiên, do nguồn kinh phí bảo trì giao thông hằng năm của Sở rất hạn chế, trong khi trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục tuyến đường đều ở tình trạng xuống cấp cần phải duy tu, sữa chữa. Do đó, về việc nâng cấp, duy tu sửa chữa tuyến đường này không thể làm ngay được, mà phải làm từng đoạn một.
“Trước mắt không còn nguồn để thực hiện cải tạo, sửa chữa tuyến đường 4A trong thời gian tới. Vì vậy, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh trong năm 2021, phân bổ ngân sách, đưa tuyến đường này vào danh mục cải tạo, sửa chữa đồng thời sẽ tham mưu cho tỉnh để lên phương án xây dựng hệ thống cống thoát nước nhằm giảm thiểu hư hỏng, ngập nước cho toàn tuyến”, ông Thạo nói.
Có thể thấy, với nguồn kinh phí khoảng 2 tỷ đồng cho một đợt vá víu mặt đường và chỉ sử dụng được trong vài tháng rồi đâu lại vào đấy thì tỉnh Thanh Hóa đang khá “hào phóng” trong việc phê duyệt, cấp kinh phí cho công tác duy tu, bảo trì, không chỉ cho tuyến đường 4A mà còn nhiều tuyến tỉnh lộ khác trên địa bàn toàn tỉnh.