Tỉnh luôn xác định doanh nghiệp vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng phục vụ, đồng thời cũng là nhân tố quyết định sự phát triển của tỉnh. Bởi năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là năng lực cạnh tranh của tỉnh…Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị sáng nay…
Quang cảnh hội nghị.
Ngày 3/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị cũng là hoạt động định kỳ sau mỗi quý để thông báo tình hình phát triển KTXH của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH.
Thời gian qua, tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng gặp không ít khó khăn, đặc biệt khó khăn trong ngành Than. Tuy nhiên, bám sát các kế hoạch, mục tiêu phát triển, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp vượt khó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ đó, trong năm 2016 và quý I/2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phát triển, tăng trưởng ổn định; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao.
Cụ thể: trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gần 1.700 doanh nghiệp, tăng cao nhất từ trước đến nay với tổng số vốn đăng ký đạt 10.900 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho 27.425 lao động. Riêng quý I/2017, toàn tỉnh đã có thêm 397 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.950 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2016, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thu hút mạnh mẽ, đạt 567 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Kết quả này đã góp phần khẳng định được vai trò của doanh nghiệp, đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH. Qua đó, quý I/2017, tình hình KTXH của tỉnh đạt được một số tín hiệu khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 8,3%, cơ cấu các khu vực kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ với tăng trưởng cao tại khu vực dịch vụ...
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Trung ương cũng đã thông báo khái quát tình hình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Quảng Ninh thời gian qua. Đồng thời cam kết, trong tháng 5/2017 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sau khi Luật chính thức có hiệu lực, quỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tại Quảng Ninh để thúc đẩy phát triển, bảo lãnh doanh nghiệp, hỗ trợ vốn.
Để tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ninh trong nhiệm vụ phát triển KTXH, các doanh nghiệp cũng đã hiến kế cho tỉnh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến mục tiêu phát triển của tỉnh, các biện pháp phát triển gắn kết với bảo vệ môi trường, công tác cải cách thủ tục hành chính và giải pháp hỗ trợ du khách trên Vịnh Hạ Long…
Trên quan điểm trao đổi thẳng thắn, cởi mở, cùng tập trung tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, hội nghị đã nhận được 71 ý kiến, kiến nghị gửi đến lãnh đạo tỉnh, ngành và địa phương. Trong đó, tập trung tại các nội dung về tháo gỡ cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, các vấn đề liên quan đến đất đai, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp… Các đề xuất, kiến nghị đều được thống kê chi tiết, đầy đủ. Một số nội dung đã được lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương liên quan giải đáp cụ thể, thấu tình đạt lý, làm hài lòng doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo và định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã thông báo khái quát một số chủ trương, cơ hội mới của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, đặc biệt sức lan tỏa của các dự án động lực đã và đang hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long (thứ 2, phải sang)
trò chuyện với đại biểu doanh nghiệp bên lề hội nghị.
Nói về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nguồn lực phát triển hiện nay của tỉnh đó là từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Quảng Ninh phát triển được như hiện nay là nhờ có doanh nghiệp, như vậy mới bền vững, lâu dài và đạt hiệu quả cao trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nguồn lực tỉnh sẽ ưu tiên cho các cho các nhiệm vụ phát triển mục tiêu, công tác an sinh xã hội. Chính vì thế, Quảng Ninh luôn tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển. Không chỉ có tỉnh mà tại các sở, ngành và địa phương, công tác gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng được triển khai thường xuyên.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương liên quan sau các buổi gặp gỡ cần phối hợp chặt chẽ, xem xét kỹ các nội dung, hồ sơ. Đồng thời nhấn mạnh: Cái gì đã hứa, phải thực hiện, phải vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách trên tinh thần quy định để giải thích, nêu rõ nguyên nhân, đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp, đảm bảo thuận lợi nhất. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao thêm hiểu biết các quy định pháp luật để đồng hành cùng tỉnh.
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, vì thế khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Quảng Ninh sẽ nhận được sự hỗ trợ cao nhất, môi trường lành mạnh nhất. Ngược lại, tỉnh cũng đang thực hiện rà soát, xem xét lại năng lực của một số nhà đầu tư. Sẽ cương quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, lợi dụng các chế độ chính sách, vi phạm quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường...
Điều này sẽ tránh được lãng phí, dành nguồn đất đó cho các nhà đầu tư thực sự. Quảng Ninh không nặng về thu tiền sử dụng đất, mà quan trọng hơn đất đó giao cho ai? Đầu tư có hiệu quả không? Điều này, sẽ có lợi ích hơn rất nhiều trong kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh. Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng Quảng Ninh.