Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu, chiều 5/11. Ảnh: Quang Vinh. Lấy con người làm động lực cho sự phát triển
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định. “Đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam. Nhân dân, cử tri, ĐBQH muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động”- ông Trí hỏi.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong Cương lĩnh Đại hội XIII, Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, có 22 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu đồng thời nghiêm túc thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp cho trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải. Đối với các vấn đề liên quan quốc tế thì quan điểm là vì hòa bình, hợp tác phát triển, phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua”.
“Thời gian qua, khi chống dịch Bộ Ngoại giao đã làm tốt nhiệm vụ ngoại giao vaccine trong đó có ba cấu phần là: Quỹ vaccine; ngoại giao vaccine; và chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn quốc. Nhờ đó số vaccine đã đảm bảo đáp ứng chăm sóc sức khỏe người dân nhưng cũng tiết kiệm được chi phí”- Thủ tướng nêu rõ.
ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đề nghị Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế.
Trả lời, Thủ tướng cho biết, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.
Theo Thủ tướng, các trụ cột cần tập trung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thứ ba là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt của ba trụ cột này là lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Quốc hội, Chính phủ theo nghị quyết của Bộ Chính trị đang triển khai rất tích cực. Hàng tháng, Chính phủ có phiên họp chuyên đề bàn về cải cách thể chế, xây dựng pháp luật; đến nay đã xem xét được 70 luật, trình Quốc hội hơn 10 luật, những nghị quyết khác cũng đang được tích cực xây dựng.
Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Chất vấn Thủ tướng, ĐB Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cho biết, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 có đưa ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%. “Rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao… Vì vậy, mục tiêu đặt ra CPI khoảng 4,5% có khả thi đề nghị Thủ tướng chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu đó?”- bà Ngọc nêu vấn đề.
Trước vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vừa qua Việt Nam kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo đó, cần tìm điểm cân bằng quan trọng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. “Kinh nghiệm của Việt Nam là chúng ta tự chủ lương thực thực phẩm, với nông nghiệp là trụ đỡ, tích cực rà soát việc lên giá của vật liệu. Bên cạnh đó trong an sinh xã hội cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau. Đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Thời gian sắp tới cần xem xét những vấn đề bất cập như xây dựng căn hộ cho người có thu nhập thấp, tăng lương, phụ cấp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công”- Thủ tướng cho hay.
ĐB Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) đề nghị: Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo?
Trước vấn đề trên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam có ba nền tảng vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, việc làm. Vừa qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Bằng các giải pháp khác nhau, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này.
Sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh bên ngoài
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị thời gian tới. “Đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ?”- ông An hỏi.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua 2 năm chống dịch chưa từng có tiền lệ nên không thể dự báo và mất rất nhiều công sức. Đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng cho rằng: Với quan điểm chống dịch đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết, chống dịch từ sớm, từ xa, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.
“Thời gian tới cần phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên có thể thấy rõ nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ta khi gặp khó khăn đã biến nguy thành cơ. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta cũng đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu
Chiều 5/11, báo cáo trước Quốc hội về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. “Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước”, Thủ tướng nói.