Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”
Trình bày báo cáo gửi tới Quốc hội, thay mặt Đoàn giám sát ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết: Trong lĩnh vực lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 có nhiều đổi mới.
Ông Cường cho biết, giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, biên giới hải đảo, các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng hoàn thành.
“Số dự án khởi công mới đầu tư nguồn vốn Ngân sách Trung ương giảm mạnh, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang theo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, khắc phục bước đầu được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, giảm mạnh số nợ đọng xây dựng cơ bản”, ông Cường nói.
Từ đó, thường trực Đoàn giám sát cho rằng, hiệu quả đầu tư công có bước cải thiện, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc lập, giao và theo dõi kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, hằng năm có nhiều đổi mới, được triển khai trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước giúp việc giao kế hoạch được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm tiến độ thời gian đồng thời tạo sự công khai, minh bạch của hoạt động đầu tư công.
Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm. Việc lập, thẩm định, tổng hợp, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hằng năm cơ bản không đúng thời gian quy định, còn một số bất cập, chậm trễ, gây lãng phí, một số trường hợp gây bức xúc trong nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay.
“Chất lượng xây dựng, giao kế hoạch không đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư công chưa được các bộ, địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng thấp, phê duyệt mang tính hình thức. Đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn chưa chính xác (đặc biệt là vốn ngoài nước) dẫn đến trong năm phải điều chỉnh giảm, chưa thu hồi đầy đủ vốn ứng trước; đăng ký kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một số bộ, địa phương hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công hằng năm chậm so với quy định ; còn trường hợp cấp huyện chưa xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Dự toán vốn vay nước ngoài không sát nên phải nhiều lần điều chỉnh; một số dự án đã ký hiệp định, đã cam kết với nhà tài trợ nhưng chưa được cân đối bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không giải ngân được trong khi vẫn phải trả các khoản phí theo cam kết . Nhiều dự án còn nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng chưa được ưu tiên bố trí vốn thanh toán theo quy định pháp luật- báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ.
Tình trạng lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm chậm, giao nhiều lần không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công chậm được khắc phục. Có năm không giao được hết kế hoạch, trả lại vốn, thậm chí có một số Bộ đã đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài ngay sau thời điểm kế hoạch vừa được giao.
“Có năm giao 14 lần, giao vào thời điểm hết năm ngân sách. Một số năm không giao được hết kế hoạch vốn Quốc hội đã quyết định. Lũy kế vốn giai đoạn 2016-2020 giao được 1.926,063 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch vốn Quốc hội quyết định là 1.971,7 tỷ đồng . Giai đoạn 2021-2025, đến tháng 8/2022, sau hơn 1 năm Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vẫn còn chưa phân bổ 292.614,66 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương: 147.672,5 tỷ đồng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia: 7.942,1 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 137.000 tỷ đồng). Giao kế hoạch vốn khi chưa có quyết định đầu tư, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên hoặc không ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp. Bổ sung danh mục dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối”, ông Nguyễn Phú Cường cho biết.
Đặc biệt, việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương để hoàn thành các dự án chưa tuân thủ nghiêm túc, chủ yếu trông chờ vào ngân sách trung ương dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tạo gánh nặng cho ngân sách trung ương, gây lãng phí nguồn lực. Cá biệt, có trường hợp phân bổ không theo thứ tự ưu tiên; phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo điều kiện quy định; bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ vốn vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt mức quy định, không đúng đối tượng, không đúng tính chất nguồn vốn; không phân bổ vốn để thu hồi vốn ứng trước, phân bổ vốn ứng trước chưa đúng quy định.
Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Tình trạng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi chưa đủ thủ tục; chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt không đúng thẩm quyền; phê duyệt dự án khi chưa đủ thủ tục; không phù hợp quy hoạch vùng hoặc chưa đúng quy định, thậm chí sai quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn, thời gian thực hiện dự án còn diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.