Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương thừa nhận tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch dạy học.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa 10.178 giáo viên các cấp học. Nhất là cấp tiểu học, việc bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học còn nhiều khó khăn, bất cập. So với số lượng giáo viên hiện có thì cấp tiểu học vẫn còn thiếu khoảng 6.348 giáo viên Tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh.
Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều
Một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các địa phương trước thềm năm học mới là vấn đề biên chế giáo viên. Dồn lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 trong năm học vừa qua, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn về điều kiện đội ngũ giáo viên cho chặng đường tiếp theo.
Chia sẻ khó khăn về thiếu giáo viên tại địa phương, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho biết, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên nữa. Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt là cấp tiểu học, dù có muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển.
Tương tự như Hải Phòng, ngành giáo dục tỉnh Kom Tum cũng đang đứng trước khó khăn về việc thiếu biên chế giáo viên trong triển khai chương trình mới, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Theo bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kom Tum, năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.
Là địa phương có diện tích rộng thứ 2 cả nước với tỷ lệ dân tộc thiểu số là 46%, chuẩn bị cho năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai đã xây dựng các kế hoạch trọng tâm cho ngành giáo dục, trong đó quan tâm đến chuẩn hoá đội ngũ quản lý, giáo viên theo chương trình mới. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, ngành giáo dục của tỉnh đang đứng trước khó khăn về việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 chưa có lộ trình đầy đủ.
Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh còn thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học; khó tổ chức dạy học trực tuyến trong năm học tới.
Cũng giống như nhiều địa phương, tỉnh Nghệ An cũng đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học. TP Hà Nội với quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69.000 học sinh, trong khi biên chế giáo viên không được tăng thêm, một số trường học đang trong tình trạng quá tải.
Điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu, thừa giáo viên như trên theo phân tích của Bộ GDĐT là do việc bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng, điều chuyển giáo viên, dự báo nhu cầu, chuẩn bị nguồn tuyển, xây dựng đề án vị trí việc làm… ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp, quy mô dân số tăng theo tỷ lệ tăng tự nhiên, cơ học hằng năm.
Trước những khó khăn, bất cập chưa thể giải quyết, làm thế nào đáp ứng điều kiện về đội ngũ giáo viên trong hoàn cảnh không thể tăng biên chế? Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, từ năm 2014, tỉnh này đã có cuộc cách mạng rất lớn để thay đổi góc nhìn về giáo dục.
Với đặc thù tỉnh 80% là miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh đã cố gắng giảm, sắp xếp lại trường, điểm trường, giảm số lượng giáo viên. Cụ thể, tỉnh đã sắp xếp, giảm 28 trường học, hơn 200 điểm trường, 649 lớp học và gần 1.800 giáo viên. Trong đó, trọng tâm là đưa học sinh vùng sâu vùng xa, cách các điểm trường chính từ 5 đến 6 km, có nơi cách 10 km về học bán trú tại các trường thuộc trung tâm xã, giảm bớt các điểm học.
Bà Hạnh phân tích, năm học 2021-2022, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh có gần 14.800 giáo viên nhưng chỉ có hơn 11.300 giáo viên tại chỗ, thiếu gần 3.400 giáo viên, thừa gần 1.400 giáo viên cục bộ.
Để triển khai năm học mới trong khi không thể tăng biên chế giáo viên, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; bố trí giáo viên có giờ quy đổi hợp lý; bố trí kinh phí trả thêm giờ cho giáo viên; thuê giáo viên cùng chuyên ngành từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn về giảng dạy, nhất là các môn về nghệ thuật. Kết quả, chất lượng giáo dục của tỉnh vẫn được tăng lên.
Theo Bộ GDĐT, căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế.
Trong năm học 2021-2022, Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Đồng thời, triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8, trước nhiều ý kiến địa phương đề cập vấn đề thiếu giáo viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên. Ở đâu có học sinh, ở đó phải có trường lớp. Bất cứ học sinh nào đến tuổi đi học, đến tuổi đến trường phải được bảo đảm quyền lợi một cách cao nhất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên sao cho phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với tình hình cụ thể từng địa bàn, từng đối tượng, từng khu vực.