Hàng loạt vụ đánh bom và cố ý gây hỏa hoạn xảy ra ở miền Nam Thái Lan khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương có khả năng được lên kế hoạch bởi thủ phạm duy nhất, cảnh sát nước này hôm 14/8 cho hay, thêm rằng một người nghi phạm đã bị bắt giữ vì có liên quan tới một trong số các vụ tấn công.
Cảnh sát Thái Lan tăng cường an ninh sau loạt vụ tấn công nghiêm trọng hồi tuần trước. (Nguồn: AP).
Bắt giữ 1 nghi phạm
Các vụ nổ xảy ra hôm thứ Năm và thứ Sáu tuần trước chủ yếu nhằm vào các địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan. Vụ tấn công liên hoàn xảy ra chỉ vài ngày sau khi người dân Thái tham gia bỏ phiếu để thông qua một bản Hiến pháp mới mà quân đội đưa ra, trong đó dọn đường cho một cuộc bầu cử vào cuối năm 2017.
“Những hành động này được thực hiện ở nhiều khu vực một cách tự phát, do một tổ chức lên kế hoạch và theo chỉ thị từ một người duy nhất” - Pongsapat Pongcharoen, Phó Giám đốc lực lượng Cảnh sát quốc gia Thái Lan, nói trong một cuộc họp báo hôm 14/8.
Vị quan chức này, tuy nhiên, không đưa thêm chi tiết về việc ai là kẻ mà cảnh sát khi là có trách nhiệm chính cho loạt vụ tấn công liên hoàn vừa qua và tổ chức mà họ nhắc tới là gì.
Giới phân tích thì cho rằng, có khả năng những “kẻ thù” của chính quyền quân đội ở Thái Lan đã ra tay do tức giận trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hồi tuần trước, hoặc những kẻ phiến quân đến từ các tỉnh tập trung đông cộng đồng người Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan.
Trong loạt vụ tấn công nghiêm trọng, nhiều quả bom đã phát nổ trong hôm thứ Năm và thứ Sáu tại khu du lịch nổi tiếng Hua Hin và các bờ biển ở miền Nam nước này, trong đó gồm đảo Phuket, Phang-nga và Surat Thani. Thời điểm của các vụ tấn công nhằm vào lúc du khách đổ tới các bờ biển trong kỳ nghỉ cuối tuần. Một số vụ tấn công còn sử dụng cả các thiết bị gây cháy, nhằm vào các cửa hiệu và chợ ở các tỉnh miền Nam Thái Lan.
Đến nay, đã có một người đàn ông bị bắt giữ và thẩm tra vì có liên quan tới vụ cố ý gây hỏa hoạn tại một khu chợ ở tỉnh miền Nam Nakhon Si Thammarar. Cảnh sát cũng tin rằng có hơn một người dính líu tới vụ tấn công này. Ngoài ra, các hoạt động của một số nghi phạm khác cũng đang được theo dõi sát sao.
Ở Phang-nga, 2 thiết bị nổ mà chính quyền cho là đã không hoạt động đã được tìm thấy gần một khu chợ. “Có một thiết bị phát nổ và hai thiết bị còn lại không hoạt động”, ông Phakaphong Tavipatana, đại diện chính quyền Phang-nga, cho hay, thêm rằng cảnh sát đang cố gắng thu thập dấu vân tay có thể sót lại của nghi phạm trên các thiết bị này.
Những nhân tố bị nghi ngờ
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong hôm 14/8 đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát tỏ ra thận trọng trong quá trình điều tra của họ, thêm rằng cảnh sát không được phép “bắt những kẻ giờ đầu chịu báng”. Điều này là do trước đây, lực lượng cảnh sát nước này từng bị chỉ trích kịch liệt khi tham gia điều tra các vụ việc phức tạp, trong đó gồm cả vụ sát hại dã man 2 du khách người Anh hồi năm 2014.
Nỗi lo ngại về khả năng những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, ở Thái Lan đã khiến cho một lãnh đạo kỳ cựu của đảng Puea Thái phải đưa ra một tuyên bố cực lực bác bỏ sự ngờ vực này trong hôm 13/8.
Đảng Mặt trận Quốc gia Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD), hay còn gọi là những người “áo đỏ” vốn có tư tưởng ủng hộ gia tộc Shinawatra, cũng đã lên án các vụ tấn công trong một tuyên bố đưa ra hôm 14/8.
Đảng này cũng chỉ trích chính phủ và các đảng phái chính trị vì đã cáo buộc những người không ủng hộ Hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu vừa qua là những kẻ đứng đằng sau loạt vụ tấn công. UDD còn cho rằng, chính phủ có thể lợi dụng loạt vụ tấn công này như một lời biện minh để họ có thể nắm giữ quyền lực lâu hơn.
Đất nước Thái Lan đã chịu cảnh chia rẽ trong suốt hơn một thập kỷ qua giữa lực lượng những người ủng hộ ông Thaksin, người bị lật đổ năm 2006, và bên quân đội và Hoàng gia, vốn cáo buộc ông tội danh tham nhũng. Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011, nhưng sau đó cũng bị lật đổ trong năm 2014.
Trong cuộc trưng cầu tổ chức hôm 7/8 vừa qua, các cử tri ở khu vực Đông bắc Thái Lan đã bỏ phiếu chống lại Hiến pháp mới - bản Hiến pháp bị cho là sẽ giúp quân đội nước này tăng cường quyền lực và gây chia rẽ sâu sắc. Các cử tri ở 3 tỉnh tập trung đông cộng đồng Hồi giáo, nơi mà những kẻ ly khai đã chiến đấu với quân đội trong hơn một thập kỷ qua, cũng bỏ phiếu chống lại Hiến pháp mới.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chứng cứ cho thấy sự liên hệ giữa lực lượng phiến quân ở miền Nam với các vụ tấn công vừa qua; ông Pongsapat nói. Hiện mẫu DNA thu được tại các điểm bị tấn công đang được kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của cảnh sát ở các tỉnh miền Nam.
Truyền thông Thái Lan hôm 14-8 cho hay, một số lượng không xác định các nhân vật chính trị ở miền Nam nước này, trong đó có một số thành viên lực lượng “áo đỏ” đã bị bắt giữ để thẩm vấn trong cuộc điều tra về loạt vụ nổ bom vừa qua ở các tỉnh miền Nam làm 4 người thiệt mạng. Trước đó, lực lượng an ninh cũng khám nhà ông Prapas Rojanapitak, cựu chỉ huy lực lượng quân nổi dậy và hiện là thành viên của phong trào Áo Đỏ ở tỉnh Trang. |