Nhằm trao đổi những định hướng nghiên cứu về cách tổ chức lễ tưởng niệm và lễ hội thường niên về Ngô Quyền tại Cổ Loa, ngày 3/10, tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu tổ chức Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa”.
Đền thờ Ngô Quyền đang lên kế hoạch xây dựng tại Cổ Loa.
Tại Tọa đàm, với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo, cơ quan quản lý TP Hà Nội, các viện nghiên cứu, quản lý di sản và đặc biệt là các nhà khoa học đã tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về định hướng xây dựng cách thực hành nghi lễ phụng thờ Ngô Quyền; Phần lễ trong Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa; Phần hội trong lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa.
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Riêng với hoạt động tín ngưỡng và thực hành nghi lễ tại không gian văn hóa Cổ Loa trong phạm vi phụng thờ Ngô Quyền, lại mang thêm sắc thái và vai trò chủ trì của quản lý nhà nước về mặt văn hóa. Lực lượng dân chúng tham dự vào quá trình tôn thờ và tham dự lễ hội tôn vinh Ngô Quyền không giống như sự can dự trực tiếp của “bát xã Loa Thành” đối với hình thức phụng thờ An Dương Vương. Vì thế, cần có sự hoạch định trong công tác huy động, tổ chức nhân sự của bộ máy quản lý văn hóa tại Cổ Loa. Cũng theo GS Thanh, hoạt động thực hành tín ngưỡng và thực hành các nghi lễ trong không gian phụng thờ Ngô Quyền được thực hiện trong hai phạm vi chủ yếu. Đó là, phạm vi thực hành sinh hoạt tín ngưỡng trong phạm vi các dịp lễ tiết trong năm; Phạm vi thực hành nghi lễ trong dịp tổ chức lễ hội theo thời điểm được cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa đồng thuận quyết định.
Một trong những vấn đề được rất nhiều các nhà khoa học thảo luận là việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa. Các ý kiến chung đều cho rằng để xây dựng được phần lễ trong một lễ hội, việc nghiên cứu phương thức tế lễ là vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, việc tổ chức, quản lý một hoạt động hội trong lễ hội truyền thống không đơn giản chỉ xoay quanh việc phục hồi, bảo tồn hay phát huy các hoạt động hội ấy, mà nó còn liên quan đến các hàng loạt các công việc như lập kế hoạch, nguồn nhân lực tổ chức tham gia, tuyên truyền, marketing, tìm kiếm nguồn tài trợ, dịch vụ hậu cần, an ninh, y tế, vệ sinh thực phẩm, hay phát triển các cơ sở hạ tầng… và cần có sự quan tâm quản lý từ các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý văn hóa, di sản.
Góp ý về công tác tổ chức, GS.TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phân tích, ngoài việc tế lễ bài bản theo một mô hình có sẵn, có thể tham khảo ở các tài liệu đã công bố, thì vấn đề khó khăn nhất là xây dựng và tìm ra được các nghi lễ liên quan đến nét riêng của lễ hội này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Việc tổ chức các hoạt động của lễ hội phải gắn với Ngô Quyền và các sự kiện có liên quan đến Triều đại nhà Ngô. Trên cơ sở đó, những trò chơi có thể có liên quan, tạo ra những gợi nhớ về thời kỳ Ngô Quyền như đấu vật, chọi gà, những trò chơi đặc trưng của các vùng đất có liên quan đến Ngô Quyền ở vùng Bạch Đằng hay Đường Lâm có thể trở thành những điểm nhấn cho lễ hội này. Tuy nhiên, dù các hoạt động hội cần có sự liên quan đến Ngô Quyền nhưng chắc chắn chúng ta không nên quá máy móc khi đi tìm những hoạt động mang tính nguyên gốc. Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc tổ chức hoạt động lễ hội phải lấy cộng đồng cư dân địa phương làm trung tâm.
Theo Đề cương Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng tại không gian trung tâm đền thờ Ngô Vương Quyền, không gian trung tâm Khu di tích Cổ Loa và không gian thực hành tín ngưỡng của các làng, xóm thuộc xã Cổ Loa có nhân lực trực tiếp tham gia thực hành lễ hội. Trong thời gian tới các đơn vị liên quan sẽ tiến hành xây dựng chương trình Lễ kỷ niệm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (thực hiện trong thời gian chưa xây dựng đền thờ Ngô Vương Quyền). Xây dựng Đề cương lễ hội về Ngô Vương Quyền để tiến tới nghiên cứu và phục dựng, thực hành thường niên tại đền thờ Ngô Vương Quyền ở Cổ Loa (thực hiện sau khi đã có đền thờ Ngô Vương Quyền).