Tọa đàm trực tuyến “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?” tổ chức vào 9h30 ngày 11/11 và được truyền hình trực tuyến trên Đại Đoàn Kết Online (daidoanket.vn) và fanpage của báo trên Facebook.
Hoàng Chiến, 23 tuổi là sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học. May mắn là anh đã xin được việc làm tại một đơn vị sự nghiệp ở Hà Nội. Gần 1 năm làm việc, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng cơ quan nơi Chiến làm việc vẫn ổn định, thu nhập của người lao động không giảm. Tích lũy được một ít tiền, Chiến muốn, năm đầu tiên đi làm về quê phải “đàng hoàng”.
“Mọi thứ quà cáp cho bố mẹ em cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Em cũng chuẩn bị được một số tiền biếu mẹ. Nhưng tình hình này chẳng biết có về quê được không?”.
Quê Chiến ở Nam Định, một địa phương mà dịch đang có diễn biến phức tạp vẫn đang có chính sách cách ly trong đó phân ra người về từ vùng có dịch, vùng không có dịch, và phân theo việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong đó người về từ “vùng đỏ” (trên cả nước-PV) và từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương mà chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc tiêm đủ 2 mũi nhưng mũi cuối chưa qua 14 ngày thì phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà.
Chiến đã tiêm đủ 2 mũi nhưng cô người yêu mà Chiến định đưa về “ra mắt” Tết này thì mới được tiêm một mũi vaccine. “Chẳng biết lúc đó, khu vực em sinh sống đổi màu đỏ thì về quê ra sao? Cơ quan không thể cho về quá sớm và nếu cách ly tập trung 7 ngày thì còn gì là Tết”, Chiến băn khoăn. Cũng theo cậu thanh niên 23 tuổi này, người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi khi cách ly tập trung mà lây bệnh thì sẽ nặng hơn người đã tiêm 2 mũi. “Như vậy là bất hợp lý và chỉ làm tình hình căng thẳng hơn thôi”.
Các tỉnh khác cũng có chính sách cách ly khác nhau dành cho những người về từ các vùng có cấp độ dịch, đã tiêm vaccine hay chưa. Cách ly tập trung hay cách ly tại gia đình? 7 ngày hay 14 ngày. Đó đều là những thông tin mà người lao động xa quê đang phập phồng theo dõi.
Ở một phía khác, những người sử dụng lao động cũng đau đầu không kém. Bạn tôi vừa phải đóng cửa một nhà hàng do có F0 “ghé qua”. Vừa mở cửa được vài ngày thì lại đóng cửa. “Tiền thuê mặt bằng, tiền trả cho nhân viên vẫn phải đủ nhưng công việc kinh doanh vẫn “tắc bụp” thế này thì không biết làm cách nào”. Ông chủ U50 than thở cho biết, cuối năm thường là khoảng thời gian các cơ sở nhà hàng, quán ăn đạt doanh thu cao do có nhiều buổi hội họp, tất niên, liên hoan... “Nhưng cứ đà này thì đóng cửa sớm, cho nhân viên về quê “ăn Tết” từ bây giờ”, ông chủ nhà hàng chán nản nói.
Sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể phục hồi. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi. Tuy nhiên, luỹ kế 10 tháng năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp trong trạng thái trì trệ, ngấp nghé bờ vực phá sản lên đến 97.100 doanh nghiệp, vẫn lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia tài chính, Giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội nhận định, nhiều chính sách, chỉ thị ban hành trong thời gian ngắn, không đủ tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp và người dân thực sự bối rối. Từ đó, gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu nội địa giảm mạnh, nguồn cung khó khăn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang. Theo ông Tú, hàng loạt nhân tố bên ngoài cũng như bên trong gây khó cho doanh nghiệp.
Như vậy, có thể nói, đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội ở khắp nơi trên toàn thế giới. Nhiều tác động được dự báo sẽ kéo dài và nhiều thay đổi trong đời sống xã hội ngay cả khi hết dịch. Chuyển sang trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp có thể “lội ngược dòng”, tận dụng thị trường Tết để phục hồi? Sau 1 năm mệt mỏi vì đối phó với dịch bệnh, liệu người dân có thể đón 1 cái Tết bình thường?
Đó cũng là nội dung buổi giao lưu trực tuyến do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức vào 9h30 ngày 11/11. Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia thảo luận, đưa ra các giải pháp khoa học, đồng bộ giúp các cơ quan chức năng có thể ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh, người dân có cơ hội đón một cái Tết đủ đầy, an toàn.
Tọa đàm trực tuyến “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?”
Chủ trì: Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết.
Dẫn chương trình: Nhà báo Anh Tú, nghệ sĩ Quỳnh kool.
Khách mời tham gia chương trình:
- Chuyên gia Kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội.
- Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
- Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Nguyên Uỷ viên Uỷ ban tư pháp Quốc hội.
- Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Độc giả quan tâm có thể theo dõi tại Đại Đoàn Kết Online: daidoanket.vn, fanpage của báo trên Facebook và có thể đặt câu hỏi qua mail: bbtdko@gmail.com.