Sản xuất kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 67/2013/NĐ-CP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới... Trong nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu lao động,...
Tuy nhiên, trong khi sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý theo các quy định nghiêm ngặt thì nhiều năm qua, việc buôn lậu thuốc lá vẫn là một vấn nạn chưa được xử lý triệt để. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng quản lý thị trường không đủ phương tiện hiện đại đáp ứng nhiệm vụ. Về mặt chính sách cũng đang có những khe hở như trốn được tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%... mang lại lợi nhuận lớn nên đối tượng buôn lậu hết sức liều lĩnh…
Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, sẽ khiến giá thuốc lá tăng cùng với những thách thức trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu.
Với chủ đề “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá – Những vấn đề đặt ra”, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn Tọa đàm từ chia sẻ ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng và thách thức trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu thuốc lá, cũng như nhận diện hành vi, thủ đoạn buôn lậu thuốc lá đang diễn ra rất phức tạp, đánh giá những mặt được và chưa được trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn lậu thuốc lá.
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH; Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan; Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam; Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Quang Khánh).
Nhức nhối vấn nạn buôn lậu thuốc lá
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng:Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho thấy, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Đặc biệt là vào dịp những tháng cuối năm, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam.
Thưa ông Nguyễn Khánh Quang, ông có thể nêu khái quát về thực trạng vấn nạn buôn lậu thuốc lá hiện nay?
Ông Nguyễn Khánh Quang: Hiện nay, lực lượng Hải quan cũng như các ngành chức năng khác chưa có lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu thuốc lá, mà chỉ có lực lượng chống buôn lậu ma túy, còn lại lực lượng gộp chung lại có nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn buôn lậu tất cả các mặt hàng.
Qua những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chỉ có thể tăng giảm, có thể sôi động hoặc kém sôi động trong từng giai đoạn, chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt. Và buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới: biên giới đường bộ rất dài từ phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lào, Tây Nam giáp Campuchia, tuyến biển. Tuyến biển buôn lậu một cách trực tiếp, ai cũng có thể nhìn thấy, và chiêu thức tinh vi với việc gửi các lô hàng đi vào các cảng của chúng ta, và đặc biệt tuyến hàng không cũng có với việc tuồn các loại thuốc là đắt tiền như xì gà.
Qua số liệu của ngành Hải quan, từ năm 2014 đến 2018, ngành Hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có 1 vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng. Như vậy là lực lượng hải quan bắt khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được 01 vụ.
Có ý kiến cho rằng nguồn cung của thuốc lá nhập lậu được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán trên các tuyến biên giới, trong đó nổi bật là một số tỉnh biên giới Tây Nam giáp với nước bạn Campuchia. Cụ thể, các đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đa phần là chủ phương tiện, lái xe. Sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi như lợi dụng đêm tối, cất giấu, chia nhỏ thuốc lá nhập lậu, cấu giấu trong vách ngăn xe ô tô. Đặc biệt một số phương tiện xe khách thiết kế hầm chứa thuốc lá điếu nhập lậu nhằm qua mắt lực lượng chức năng hoặc vận chuyển bằng xe mô tô đi thành từng đoàn, khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra thì báo hiệu cho nhau để trốn tránh.
Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, với phương thức tinh vi, manh động, liều lĩnh, buôn lậu thuốc lá thực sự trở thành vấn nạn nhức nhối ở khu vực vùng biên?
Ông Phạm Hồng Sơn: Như ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã đánh giá tình hình ngoài các tuyến biên giới, thì trong nội địa thuốc lá buôn lậu cũng rất phức tạp. Đặc biệt là các khu vực chợ An Lạc, TP Hồ Chí Minh và các khu vực Hàng Mành, Hà Nội là những điểm nóng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian vừa qua. Phương thức không mới tuy nhiên các đối tượng vận chuyển thì ngày một liều lĩnh, vận chuyển bằng mô tô, xe máy với tốc độ rất cao để lực lượng chức năng không thể ngăn chặn được. Họ liều lĩnh tính mạng và sẵn sàng đâm thẳng vào lực lượng chặn bắt ở khu vực biên giới như hải quan hay biên phòng. Các đối tượng đó sẵn sàng dùng công cụ vũ khí thô sơ để chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, còn có một khó khăn cho lực lượng chức năng là công cụ hỗ trợ trong công tác phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá đang còn thiếu, chưa đáp ứng được.
Thưa ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, thực tế cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá luôn quyết liệt và vẫn chưa ngưng nghỉ trên dọc tuyến biên giới?
Ông Nguyễn Văn Hiệp: Nhận thấy những tác động của nạn buôn lậu thuốc lá ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe nên bộ đội biên phòng đã nghiêm túc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Thực tế cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá luôn quyết liệt và vẫn chưa ngưng nghỉ trên dọc tuyến biên giới là bởi:
Thứ nhất, buôn lậu thuốc lá diễn ra trên biển, trên tuyến đường bộ, tập trung nhất là ở tuyến đường Việt Nam - Campuchia. Đặc điểm tuyến biển dài, đòi hỏi công tác tuần tra phải có lực lượng lớn, còn tuyến đường bộ Việt Nam - Campuchia phần lớn là kênh rạch, nhiều đường mòn, đường tắt qua biên giới nên công tác kiểm soát đã khó khăn, chưa nói đến công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Thứ hai, phía chính quyền nước bạn không cấm đoán việc buôn thuốc lá nên có nhiều tụ điểm tập kết giáp biên, chỉ chờ cơ hội là vận chuyển sang Việt Nam. Bên cạnh đó, đặc điểm của mặt hàng thuốc lá là dễ vận chuyển, khiến tội phạm thuốc lá lợi dụng. Chưa kể, dân cư ở vùng biên giới đa số dân trí chưa được cao, đời sống khó khăn, nên họ càng dễ dàng bị lôi kéo tham gia đường dây buôn thuốc lá lậu. Phương thức vận chuyển thuốc lá cũng dễ dàng bằng nhiều phương tiện như xe máy, xuồng, ô tô...
Thứ ba, phía nội địa nước ta, nhu cầu sử dụng thuốc lá lớn, đặc biệt là thuốc lá giá rẻ. Việc mua thuốc lá dễ dàng, các chủ đầu nậu chủ yếu là ở nội địa, người vận chuyển phần lớn là nhân dân ở khu vực biên giới đặt ra vấn đề chúng ta cần giải quyết, đó là chính sách cần có tính nghiêm khắc hơn.
Trong quá trình kiểm tra giám sát chống buôn lậu thuốc lá, chúng tôi thấy, đối tượng có sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cực lớn, đến nỗi lực lượng quản lý thị trường cũng như bộ đội biên phòng không có đủ trang thiết bị để đuổi theo được, khi hàng thuốc lá lên xuồng máy, hầu như là khó khăn bắt được. Trong khi đó, bộ đội biên phòng làm nhiều công tác khác chứ không chỉ làm nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc lá, lực lượng mỏng. Tuy nhiên, nhận dạng được rằng, hoạt động buôn lậu thuốc lá có những tác hại cực lớn như ảnh hưởng sức khỏe do thuốc lá lậu chất lượng không đảm bảo sức khỏe, rồi ảnh hưởng kinh tế… nên lực lượng bộ đội biên phòng đã rất tích cực trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá. Cụ thể, năm 2016, chúng tôi bắt, thu giữ được gần 1 triệu bao, 2017 gần 2,7 triệu bao, tính đến thời điểm tháng 8.2018 đã là 2 triệu bao. Nói đến con số này cũng để thấy rằng, tình hình buôn lậu chống thuốc lá của chúng ta rất phức tạp.
Tội phạm nói chung, tội phạm buôn lậu thuốc lá luôn chống lại người thi hành công vụ, dùng mọi biện pháp để chống người thi hành công vụ để tẩu tán thuốc lá. Tuy nhiên, lâu nay, bộ đội biên phòng tuần tra trên biên giới theo một đội hình tuần tra của Bộ Quốc phòng về chiến lược, phương án, vũ khí… do đó, rất may mắn, vẫn chưa xảy ra trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng nào.
Hiện nay, người tiêu dùng không mấy khó khăn khi có nhu cầu hút thuốc lá đủ các loại nhãn hiệu trên thế giới từ Hero, Jet, 555… cho đến thuốc lá cuộn có sợi được nhập lậu đều được bày bán trên thị trường, từ hàng quán sang trọng cho đến các mẹt thuốc lá ở trong từng con hẻm, ngõ phố, xóm làng.
Thưa ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, với thực tế này cũng đồng nghĩa chúng ta không kiểm soát được chất lượng sản phẩm thuốc lá, nhất là hàm lượng các chất nicotin vượt quá mức cho phép người tiêu dùng, trong khi thuốc lá sản xuất trong nước được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn?
Ông Vũ Văn Cường: Có thể nói đây là vấn đề nóng, bức xúc hiện nay, phóng sự vừa xem chúng ta có thể thấy tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra rất tinh vi, liều lĩnh, manh động. Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á qua qua khảo sát bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…
Có thể nói đây đã trở thành vấn nạn quốc gia. Theo số liệu chúng ta có được hàng năm, lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Như các đại biểu đã phát biểu, các đối tượng sử dụng phương tiện hiện đại, xe phân khối lớn, ô tô, xuồng máy tốc độ cao… Có thể nói phương tiện của các đối tượng buôn lậu hiện đại, tốc độ nhanh hơn lực lượng chức năng, của các đơn vị quản lý thị trường, bộ đội biên phòng hay cảnh sát biển nên việc truy bắt khó khăn, khi bắt được thì các đối tượng chống trả quyết liệt. Ví dụ, năm 2016 quản lý thị trường Long An bắt được một tàu buôn lậu thuốc lá, các đối tượng đã chống trả làm một cán bộ quản lý thị trường hi sinh. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều vụ vận chuyển bằng ô tô khi bị truy đuổi thì bỏ chạy gây tai nạn giao thông, gây chết người…
Nhận diện thách thức trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá
Vâng, chúng ta vừa đi đến cùng một số vấn đề cơ bản nhất thực trạng buôn lậu thuốc lá đang diễn ra hiện nay. Thực tế cho thấy buôn lậu thuốc lá rất có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi, thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển thường bị phân tán, xé lẻ, ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa khác hoặc thuê mướn người khác vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Điều đáng quan tâm là chính từ buôn lậu thuốc lá đã làm ngân sách nhà nước thất thu tiền thuế. Bên cạnh đó, chất lượng không được kiểm soát của sản phẩm thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường là tiếng chuông cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng...
Đây quả thực là vấn đề đáng báo động trước thực trạng vấn nạn buôn lậu thuốc lá hiện nay, thưa ông Lưu Bình Nhưỡng?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đây là một vấn đề đã kéo dài trong nhiều năm. Thực trạng buôn lậu này diễn ra liên tục và thường xuyên. Và tôi cho rằng đây là một thách thức vô cùng to lớn như các các đại biểu đã trình bày và thật sự chúng ta chưa có giải pháp. Nếu đánh giá về vấn đề này tôi nhận diện như sau:
Thứ nhất, tôi cho rằng trong trách nhiệm quản lý, sự quyết liệt của các cấp, ngành chưa được đánh giá sát sao, sự quyết liệt trong xử lý cũng chưa đến nơi đến chốn. Ngoài vấn đề lúng túng thì còn có hiện tượng thờ ơ. Chúng ta cũng không thể không đặt dấu hỏi nghi ngờ về dấu hiệu nhóm lợi ích, về sự bảo kê trong vấn đề này, không ngoại trừ ở đây những lợi ích liên quan đến tham nhũng.
Thứ hai, là về thất thu thuế, tôi cho rằng 10.000 tỷ chưa phải lớn, chỉ tương đương với khoảng hai cây cầu. Nhưng chúng ta chưa tính đến các chi phí cho các lực lượng khác, ví dụ lực lượng biên phòng phải được trang bị các phương tiện, các công cụ hỗ trợ, thậm chí phải súng ống đạn dược, phải có đặc tình, tình báo.
Thứ ba, là về rủi ro con người. Vấn đề buôn lậu có thể dẫn đến thương vong, dẫn đến mất cán bộ quản lý, làm gia tăng các rủi ro vi phạm pháp luật, gia tăng thêm các tệ nạn, thậm chí có thể có các băng nhóm xã hội đen sẵn sàng bảo kê lợi ích, cạnh tranh. Và cũng chưa biết chất lượng ra sao mà chúng ta mang thuốc lá về.
Như vậy, tôi cho rằng nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ, chưa xem xét hết mọi khía cạnh. Tác hại của vấn đề buôn lậu nếu chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế thì tôi cho là chúng ta chưa có sự quyết tâm.
Thưa ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân để vấn nạn thuốc lá lậu có cơ hội hoành hành thị trường là do mặt hàng này gọn nhẹ, dễ vận chuyển và mang lại siêu lợi nhuận tới 350%. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho buôn lậu thuốc lá và là thách thức lớn cho lực lượng chức năng?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi đồng ý nhận định của ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan là buôn lậu thuốc lá chưa bao giờ hết nóng bỏng, mà luôn ở trong tình trạng là có lúc ít, có lúc sôi động hơn. Trước những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cũng như sự tăng cường của lực lượng chức năng trong những thời điểm nhất định thì có giảm bớt. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta thấy im ắng thì thực sự tình trạng buôn lậu vẫn ngấm ngầm sôi động. Thực tế từ nhiệm kỳ QH trước, khi tôi chất vấn các trưởng ngành về buôn lậu, trong đó có buôn lậu thuốc lá, rất nhiều phóng viên báo chí cho tôi xem các clip về buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá, tôi vẫn nung nấu tôi sẽ đi thực tiễn để tận mắt chứng kiến những tình trạng có thực.
Tôi đi hai chuyến, chuyến đầu thất bại. Đi xuống nơi giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, chúng tôi cũng có liên hệ lực lượng chức năng, trong đó là lực lượng công an C74, không biết có nguồn tin gì không nhưng tình hình diễn ra không như tôi mong muốn.
Sau đó tôi đi một chuyến khác vào tháng 9.2017, sau chuyến đi đó, tôi đã có bài phát biểu trước QH, tổng hợp đầy đủ nhất để thấy rằng tình trạng buôn lậu quá khủng khiếp. Những địa phương tôi đi qua, vào tùy thời điểm, thuốc lá lậu vận chuyển một cách công khai và gần như không có ai cản trở, không có sự ngăn chặn của lực lượng chức năng. Khi chúng tôi đi Châu Đốc, vào buổi sáng đi quanh khu vực chợ mua bất kỳ loại thuốc lá nào cũng có. Lực lượng chức năng ngồi ở cổng chợ, nhưng đi vào chợ thuốc lá lậu bày bán rất nhiều. Giá cả thì rất khác nhau, mua ở ngoài thuốc lá Hero 160.000 - 170.000 đồng/cây (10 gói), nhưng vào chợ chỉ 70.000 - 120.000 đồng/cây. Khi tôi hỏi thì có người nói thuốc lá trong chợ là thuốc giả, chỉ 1 - 2 gói là thật, kể cả Long Xuyên cũng vậy.
Khi sang đến Long An vào lúc 12h30, thuốc lá lậu chở xe từng tốp, phần lớn người chở thuốc lá lậu lại là phụ nữ. Thời gian diễn ra khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, không chịu sự quản lý của bất kỳ lực lượng chức năng nào. Tôi đi theo một tốp chở thuốc lá đến thị trấn Kiến Tường của tỉnh Long An, sau đó chui vào ngõ ngách và mất hút. Từ đây thuốc sẽ được đưa về TP Hồ Chí Minh, chợ Học Lạc. Tại chợ này, không có thuốc gì là không có, mua bao nhiêu cũng có và không cần dấu diếm.
Sau khi tôi đưa việc này ra diễn đàn QH, nhiều ĐBQH nói với tôi, ngay Hà Nội ra chợ Hàng Mành, ra Lương Văn Can cũng có rất nhiều thuốc lậu. Theo như tôi biết, còn có nguồn thuốc lá lậu từ Campuchia sang, có những cơ sở sản xuất chỉ để nhập lậu vào Việt Nam.
Nói như vậy để thấy, tình trạng buôn lậu thuốc lá nếu như không quyết liệt trên mọi phương diện thì không thể nào ngăn chặn được. Trong khi người dân vùng biên đời sống khó khăn, nhàn rỗi sau mùa vụ cũng là một phần nguyên do. Quan trọng là nhận thức về thiệt hại cho nền kinh tế thì ít ai nắm được. Thuốc lá lậu không chịu quy định nào của pháp luật, từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, cũng không phải nộp Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nên cộng lại là siêu lợi nhuận, 350% không hề sai. Tất nhiên thuốc lá lậu cũng chịu sự quản lý của lực lượng chức năng một phần thôi nhưng vẫn quá dễ dàng nên tạo tâm lý dễ dàng thế thì tại sao không buôn lậu?
Tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng về số lượng và diễn ra sôi động cả trên đất liền cũng như trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%. Việc tăng thuế cho mặt hàng thuốc lá trong nước phải chăng vô hình trung đã tạo chênh lệch kích thích cho thuốc lá lậu hoành hành, thưa ông Nguyễn Đức Kiên?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Lộ trình tăng thuế không phải bây giờ chúng ta mới đưa ra mà đã đưa ra từ năm 2017 với đa mục tiêu giảm tỷ lệ người buôn lậu thuốc lá, giảm tiêu thụ hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi thực hiện các cam kết, chúng ta có lộ trình điều chỉnh từ 65% lên 70% và lên 75% vào 1.1.2019. Trong biện pháp phòng chống buôn lậu thuốc lá thì song song 2 vấn đề: vừa chế tài về pháp lý, vừa chế tài về kinh tế.
Về chế tài lập pháp, cơ quan lập pháp - QH bước đầu cũng đã hình dung về những khó khăn trong mặt trận chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và trong phòng, chống buôn lậu nói chung. Do đó, trong Pháp lệnh về quản lý thị trường và mới đây nhất là Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường. Đây là một quyết định mạnh mẽ vì để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị không phình tổ chức bộ máy, biên chế mới thì chúng ta tổ chức Tổng Cục quản lý thị trường trong Bộ Công thương theo Pháp lệnh vè quản lý thị trường. Đây cũng là một bước chuẩn bị lực lượng để đấu tranh phòng chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới trên đất liền, biển cũng như buôn lậu thuốc lá.
Hiện buôn lậu thuốc lá đang bị giằng xé giữa lợi nhuận chung xã hội với lợi nhuận của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới, đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam. Để phòng chống buôn lậu, không có gì tốt hơn bằng các biện pháp kinh tế. Nếu chúng ta đảm bảo cho người dân ở khu vực biên giới họ có đời sống, nghề tốt hơn, có thu nhập và tuyên truyền tốt hơn thì vấn đề buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng từng bước đẩy lùi.
Buôn lậu là vấn nạn không chỉ riêng đối với ngành thuốc lá mà còn là vấn đề chung đặt ra. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các địa phương khi tham gia cùng với Tỉnh ủy, UBND xây dựng các kế hoạch phát triển KT - XH phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp thì chúng tôi có chính sách đặc thù cho người dân khu vực biên giới, người dân khu vực biên giới ở các vùng trọng điểm có buôn lậu. Nói chống 100% thuốc lá lậu qua biên giới, dư luận xã hội thì yêu cầu như thế nhưng thực tế thì không thể đáp ứng 100%.
Trong khi về mặt chính sách đang còn nhiều bất cập là nguyên nhân làm cho vấn nạn buôn lậu thuốc lá có điều kiện hoành hành thì thực tế lực lượng chống buôn lậu tại vùng biên, dù đưa ra nhiều giải pháp “đánh chặn” nhưng hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp, đối tượng hoạt động tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, thưa ông Nguyễn Khánh Quang?
Ông Nguyễn Khánh Quang: Nếu nói về khó khăn thì có nhiều, nhưng có mấy khó khăn như sau:
Thứ nhất, vấn nạn buôn lậu thuốc lá có thể lôi kéo được đông dân cư tham gia vào. Số lượng ít đi qua cửa khẩu thì còn có thể kiểm soát, chứ đi theo đường tiểu ngạch sang biên giới thì rất khó, nó có thể đi theo con nước, theo mùa. Mùa cạn, chúng ta có thể thấy rất rõ biên giới phía Tây Nam, việc đàn bò đàn trâu có thể từ Việt Nam sáng xuất cảnh đi sang Campuchia ăn cỏ, chiều lại về, việc qua biên giới quá dễ dàng nên việc buôn lậu thuốc lá cũng rất khó kiểm soát.
Thứ hai, các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp được trang bị rất tốt, tốc độ chạy của các phương tiện cực nhanh, lại cực kỳ sáng tạo. Gần đây, chúng tôi có hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới Quốc gia Anh, họ sẽ sang giúp phía Việt Nam một số phương tiện cano cao cấp có thể là đuổi được các phương tiện của lực lượng buôn lậu qua biên giới trên biển một cách nhanh nhất. Từ tháng 11.2018, tại Hà Nội, họ có đại diện tại Việt Nam với cam kết hỗ trợ toàn phần, còn với điều kiện như của chúng ta hiện nay thì khó có thể chống được buôn lậu thuốc lá.
Thứ ba, buôn lậu đi qua cửa khẩu một cách đàng hoàng, hợp pháp, vì tận dụng mọi loại hình buôn bán (hàng xuất quá cảnh) để có thể vận chuyển hàng. Do vậy, hàng thẩm lậu qua biên giới rất nhiều. Hoặc có thể hàng vận chuyển qua đường biển quốc tế, lực lượng kiểm soát của chúng ta còn hạn chế, không thể lúc nào cũng có thể theo sát được. Vì vậy, chỉ cần đối tượng ra khơi là đã khó có thể kiểm soát được rồi.
Thứ tư, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, cho các nhóm đối tượng khác nhau. Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sức mạnh của kinh tế nên việc xử phạt còn nhẹ như hiện nay thì chỉ như muối bỏ bể, họ vẫn chấp nhận nộp phạt. Tôi cũng cho rằng có nhóm lợi ích tồn tại, lợi nhuận cao như thế nên bất chấp, tất nhiên nếu có cũng ít nhưng không loại trừ.
Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, đã quy định rất cụ thể hành vi buôn lậu (vận chuyển) từ 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lập trở lên bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thưa ông Nguyễn Mạnh Cường, đây có phải là khe hở khi bọn buôn lậu thuốc lá lợi dụng quy định pháp luật để chỉ chở 1.499 bao, dưới 1.500 để tránh xử lý về mặt hình sự?
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh).
Ông Nguyễn Mạnh Cường: QH và Chính phủ rất quan tâm tới hoàn thiện thể chế pháp luật để xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó hành vi buôn lậu cũng nhận thức rõ tác hại của buôn lậu. Đúng như các đại biểu đã phát biểu, buôn lậu thuốc lá có tác hại vô cùng to lớn về kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, mất trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, buôn lậu thuốc lá cũng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, do thuốc lá lậu không kiểm soát chất lượng và không in cảnh báo. Chính vì vậy, thái độ của QH với hành vi buôn lậu thuốc lá rất nghiêm khắc và thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự, coi hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu là hành vi buôn bán vận chuyển hàng cấm. Do đó hành vi này sẽ được xử lý nghiêm khắc hơn và trên thực tế, khi chứng minh hành vi tội phạm cũng thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng.
Với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, tại các Điều 190, 191 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, đã không còn vướng mắc trong tranh luận thuốc lá lậu có là hàng cấm hay không phải hàng cấm. Quy định của Bộ luật Hình sự đã giải quyết được vấn đề này.
Chúng tôi cũng tin tưởng với quy định của Bộ luật Hình sự sẽ góp phần quan trọng vào việc chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, pháp luật quy định là một chuyện nhưng còn phụ thuộc vào tổ chức thực hiện pháp luật, phụ thuộc vào cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố xét xử với hành vi buôn lậu tội phạm. Điều này phụ thuộc vào các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ như bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, khi phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành điều tra ban đầu, điều tra toàn bộ và chuyển cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát truy tố như thế nào. Do đó phụ thuộc vào tổ chức thi hành pháp luật nữa.
Khi quy định về buôn bán vận chuyển, tàng trữ hàng cấm trong đó có thuốc lá lậu thì Bộ luật Hình sự có định lượng hành vi buôn lậu thuốc lá tới mức độ nào được coi là tội phạm hình sự. Khi buôn lậu 1.500 bao trở lên được coi là tội phạm hình sự, đây là bước tiến và là quy định quan trọng để phân biệt hành vi nào là hành vi vi phạm hành chính, hành vi nào là hành vi vi phạm hình sự, bảo đảm áp dụng thống nhất trong toàn quốc và bảo đảm quyền con người. Chính vì vậy, trong Bộ luật Hình sự có định lượng cụ thể về số lượng bao thuốc lá cấu thành tội buôn lậu thuốc lá.
Đúng như các đại biểu có nói khi quy định về mặt định lượng có điểm bất cập, ví dụ như người ta lạm dụng, lợi dụng quy định từ 1.500 bao thuốc trở lên, thì người ta chỉ buôn lậu 1.499 bao để tránh hình sự. Thế nhưng Bộ luật Hình sự cũng lường trước và quy định rất rõ, người nào đã xử phạt dưới mức 1.500 bao thì bị vi phạm hành chính và người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục vi phạm không phụ thuộc vào bao nhiêu bao thuốc, thì đã cấu thành tội hình sự rồi. Quy định về mặt pháp luật còn điểm chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản đã phù hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá.
Ngành sản xuất thuốc lá trong nước, thời gian qua đã có nhiều đóng góp ngân sách cho nền kinh tế ở mức cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Cụ thể hằng năm, ngành thuốc lá nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD/năm). Tuy nhiên hiện nay ngành sản xuất thuốc lá trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có phần truyền thông chỉ nhấn mạnh về tác hại của thuốc lá mà chưa chú trọng về công tác truyền thông thuốc lá lậu thưa ông Vũ Văn Cường?
Ông Vũ Văn Cường: Về truyền thông sản xuất kinh doanh thuốc lá thì bị cấm quảng cáo, tài trợ dưới mọi hình thức. Còn truyền thông về chống buôn lậu thuốc lá thì không bị cấm, thậm chí khuyến khích, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều có quyền tham gia. Trong thời gian vừa qua trước tình hình buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, hiệp hội chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí khác để tuyên truyền hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.
Tôi rất chia sẻ với ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ngoài việc thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì thuốc lá lậu còn gây tác động ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Theo phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, với thuốc lá trong nước được kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng bởi các quy định của Bộ Y tế, Bộ Công thương. Nhưng với thuốc lá lậu không ai kiểm soát, không in hình cảnh báo và hàm lượng nicotin vượt ngưỡng tới 50% cho phép, đặc biệt trong thuốc lá nhập lậu có hàm lượng chất Coumarin có trong chất diệt chuột.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương có ý kiến về việc mua thuốc lá lậu rất dễ dàng, có thể thấy đầu vào của thuốc lá lậu ở biên giới cửa khẩu còn đầu ra thì bày bán công khai ở đâu cũng có từ các nhà hàng, cửa hiệu, trong chợ. Nhận biết thuốc lá lậu lại rất dễ vì các hãng nhập lậu đấy Việt Nam không sản xuất, trên bao thuốc không khó để nhận biết. Do vậy, ngoài kiểm soát đầu vào thì chúng ta cần phải kiếm soát cả đầu ra, hiện nay đầu ra gần như thả.
Ý kiến của đại biểu Phạm Văn Cường cũng rất hay, liên quan giữa thuế suất và thu ngân sách, đặc biệt trong đó ẩn số về buôn lậu là rất quan trọng. Chúng tôi có số liệu là số lượng thuốc lá lậu bắt giữ được hàng năm chỉ chiếm 10%, trong khi buôn lậu lãi hơn 300%, cứ cho người ta buôn 3 lần bị bắt 2 lần vẫn hòa vốn. Đó cũng là lý do các đối tượng buôn lậu vẫn phát triển.
Giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả
Như vậy có thể thấy, vấn nạn buôn lậu thuốc lá đã, đang và sẽ có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp. Bởi, các cơ chế, chính sách còn sơ hở, chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với thực tiễn. Vậy để đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, thưa ông Nguyễn Anh Tuấn cần có giải pháp nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, Tổng cục Quản lý Thị trường đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập vào ngày 12.10.2018. Tới đây Tổng cục sẽ kiện toàn và theo hướng ngành dọc thì công tác chỉ đạo sẽ được xuyên suốt hơn so với trước đây. Công tác đầu tiên chúng tôi xác định là công tác tuyên truyền pháp luật. Trước đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường dán các pano, áp phích về việc tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán thuốc là nhập lậu; tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ hàng nhập lập nói chung, trong đó có mặt hàng thuốc lá.
Về giải pháp thứ 2 chúng tôi xác định công tác phối hợp với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển và tiếp tục phối hợp với công an trong công tác khám xét hàng hoá. Vì với lực lượng quản lý thị trường đôi khi xin giấy phép hay lệnh khám nhà của các đối tượng cất giấu trong nhà thì xin được xong các đối tượng đã tẩu tán vì thuốc lá là mặt hàng dễ tẩu tán.
Đối với khu vực biên giới, chúng tôi xác định phối hợp với biên phòng và hải quan trong công tác chống buôn lậu nói chung và công tác chống buôn lậu thuốc lá nói riêng. Gần đây nhất, chúng tôi đã phối hợp kiểm tra đoàn tàu 5 container ở ga Yên Viên có dấu hiệu hàng nhập lậu từ biên giới về nội địa.
Thưa ông Nguyễn Khánh Quang, đối với ngành hải quan, ông có thể đưa ra những giải pháp gì để góp phần đắc lực trong công cuộc chống buôn lậu thuốc lá?
Ông Nguyễn Khánh Quang: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, với ngành hải quan, giải pháp để chống buôn lậu thuốc lá quan trọng nhất đó là phải tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới bởi hiện nay họ là những đối tượng tham gia vận chuyện trái phép thuốc lá lậu qua biên giới. Bên cạnh đó, gắn với lực lượng chức năng phải điều tra để tìm ra kẻ cầm đầu buôn lậu thuốc lá. Vì thực tiễn cho thấy, nhân dân thì chỉ là người làm thuê, còn quyết định là những kẻ cầm đầu giấu mặt nhưng vẫn điều khiển mọi hoạt động, chỉ khi chúng ta phải tìm ra thì mới giải quyết được.
Một vấn đề cực kỳ quan trọng trong giải pháp, đó là sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... Nếu không phối hợp tốt sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu thông tin, hiệu quả đấu tranh thấp. Đồng thời, phải đẩy mạnh quan hệ quốc tế, tôi cho rằng nếu chúng ta phối hợp tốt với Campuchia thì chắc chắn việc ngăn chặn thuốc lá lậu sẽ tốt hơn rất nhiều.
Qua tham khảo ở các quốc gia cho thấy, thuốc lá là mặt hàng quốc gia nào cũng phải chống buôn lậu, vì vậy phối hợp quốc tế để phòng chống từ xa là quan trọng. Không chỉ là phối hợp để họ có thể hỗ trợ phương tiện, mà việc cung cấp thông tin cũng rất quan trọng.
Thưa ông Nguyễn Sỹ Cương, phương tiện hiện đại hay nguồn lực là giải pháp quan trọng chống buôn lậu?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ rằng thực trạng chống buôn lậu thuốc lá bên cạnh khó khăn của các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường… còn ngành công an, kiểm ngư… vì liên quan đến chống buôn lậu trên biển.