Ngày 23/10, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Đại Đoàn Kết trân trọng đăng toàn văn bản báo cáo này:
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. (Ảnh: Quang Vinh).
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Kính thưa các đại biểu Quốc hội,
- Thưa quý vị khách mời
- Thưa đồng bào, chiến sỹ và cử tri cả nước.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.385 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, như sau:
I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Cử tri và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Nhà nước; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá[1], đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp[2]; đẩy mạnh xuất khẩu[3]; thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội[4], thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chăm lo người nghèo, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai. Quốc phòng an ninh được đảm bảo; Công tác đối ngoại và hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là các hoạt động hướng tới Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tổ chức tại Việt Nam. Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ vừa qua đã tổ chức thành công Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi và ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương các cấp đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba của Quốc hội khóa 14, cụ thể như: Quốc hội tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng luật; đổi mới phương thức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội từ tham luận sang tranh luận trực tiếp; các cơ quan Đảng và Nhà nước đã quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, khẳng định không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ, các bộ, ngành đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều chính sách, văn bản pháp luật, giảm “nợ đọng” văn bản[5], thực hiện việc đánh giá chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên trái phép[6].
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nợ công cao[7], việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát lớn; công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều bất cập; tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và việc công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp.
II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CHÍNH CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
1. Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ, các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12), trong đó tập trung phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, cắt giảm thủ tục hành chính[8], tăng thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh việc vẫn còn nhiều “giấy phép con”; một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu một số mặt hàng còn chậm. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá để tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về việc giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định trong khi giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi. Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nạn buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác và thúc đẩy phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết “4 nhà” (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Ngân hàng). Cử tri và Nhân dân một số địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi và bổ sung các tiêu chí trong điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đảm bảo sát với thực tế đời sống của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên cả nước[9].
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời phát động và chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ủng hộ người dân bị thiệt hại bởi mưa, bão, lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau cơn bão số 10 và đợt lũ, lụt trong tháng 10 vừa qua[10]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân rất lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp, tăng cường dự báo, kết hợp với triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm nhập mặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm để bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của Nhân dân.
2. Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma[11]; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện[12]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã tích cực triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân[13]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng phản ánh về việc một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền để “trục lợi” quỹ Bảo hiểm y tế[14]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, thực hiện giám định, thu hồi các khoản chi không đúng và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường giám sát của Nhân dân trong quá trình thực hiện; rà soát các quy định hiện hành về bảo hiểm y tế, bảo đảm phù hợp giữa chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp[15]; việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm không an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gây lo lắng trong Nhân dân[16]. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả hơn để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên; quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
3. Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã có những đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình, xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng và quy định về cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học chưa hợp lý[17]; cách thức tổ chức và chất lượng học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị ở một số nơi vẫn còn thiếu; chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế; tình trạng “lạm thu” đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý như việc thu nhiều khoản sai quy định ở Trường Tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thậm chí có nơi buộc học sinh phải đóng góp xây dựng nông thôn mới như ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông[18].
Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh đại học, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông tổng thể, bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học.
4. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ
Cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng[19]; có phương án giải quyết, xử lý đối với một số dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả[20]; xử lý nhiều cán bộ, công chức vi phạm, kể cả cán bộ cao cấp. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương[21].
Cử tri và Nhân dân khẳng định luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân biết để giám sát. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
5. Về quản lý đô thị và giao thông, vận tải
Cử tri và Nhân dân cho rằng, công tác lập, quản lý, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý. Việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, nhất là việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng tại các khu vực trung tâm trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn, triều cường, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri và Nhân dân ở nhiều thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt. Trước khi triển khai lập, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị cần tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tính khả thi, hợp lý; quan tâm đến sự phù hợp giữa phân bổ số lượng dân cư với kết cấu hạ tầng đô thị; đề cao và gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong Nhân dân, như ở các trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên); việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát[22]. Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT.
6. Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội
Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, trong đó có sự nỗ lực của ngành Công an và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân một số địa phương lo lắng trước tình trạng tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, còn một số “điểm nóng” về mất an ninh trật tự[23]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương kịp thời đấu tranh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân để cử tri và nhân dân biết và thực hiện.
Cử tri và Nhân dân lo lắng, bất bình trước tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; đồng thời chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân.
* Ngoài những vấn đề nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh một số vấn đề như: việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tình trạng lạm quyền[24], quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số địa phương; hiện tượng người dân vẫn phải “lót tay” để được giải quyết thủ tục hành chính[25]; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và người đứng đầu các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi, chặt phá rừng trái phép[26]; nạn bạo lực học đường; tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ…
Có thể nói, qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước cho thấy, từ sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội Khóa 14 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ song nhờ có sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm giải quyết như: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gặp khó khăn, giá nông sản thấp, đầu ra thiếu ổn định; việc quản lý về đấu thầu, nhập khẩu thuốc chữa bệnh thiếu chặt chẽ; một số quy định trong tuyển sinh đại học chưa hợp lý; tình trạng “lạm thu” tại một số trường học gây bức xúc trong Nhân dân; việc quy hoạch đô thị ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý; một số chính sách, quy định về tổ chức, cán bộ còn bất cập, việc triển khai thực hiện còn nhiều thiếu sót.
Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Quang Vinh).
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCHỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Tại kỳ họp này, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy định về đánh giá cán bộ.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, mở rộng quảng bá, kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hình thành những chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông; rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị.
Thứ sáu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh các “điểm nóng”; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân.
Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 14 và 6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xin trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
PHỤ LỤC
(Kèm theo Báo cáo số:451/BC-MTTW-ĐCT ngày 20tháng 10năm 2017 của
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)
[1] Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng (5,99%) của cùng kỳ năm 2016 (Báo cáo của Tổng cục thống kê).
[2] Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4%. Nếu tính cả 1.241,3 nghìn tỷ đồng của hơn 27,5 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2017 là 2.144 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp (Báo cáo của Tổng cục thống kê).
[3] Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 154,03 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 43,16 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 110,86 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu) tăng 21,0% (Báo cáo của Bộ Công thương).
[4] Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo là 5.560 tỷ đồng, bao gồm: 3.256 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.677 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 627 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có 15 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước (Báo cáo của Tổng cục thống kê).
[5] Tính đến ngày 15/10/2017, số văn bản nợ chưa ban hành đã giảm so với các năm trước, cụ thể: giảm 46 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (57 văn bản) và giảm 24 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (35 văn bản) (Báo cáo của Bộ Tư pháp).
[6] Thống kê 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã phát hiện 13.178 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 3.439 vụ, tương ứng 21% số vụ so với cùng kỳ năm 2016; đã xử lý 11.198 vụ, gồm: xử lý hành chính 10.935 vụ, khởi tố hình sự 263 vụ; tang vật tịch thu 14.345 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 129 tỷ đồng; diện tích rừng thiệt hại 1.257 ha, giảm 3.078 ha tương ứng 71% so với cùng kỳ năm 2016 (Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
[7] Đến hết năm 2015, nợ công Việt Nam là 2,5 triệu tỷ đồng (116,7 tỷ USD) tương đương 61% GDP (Báo cáo của Bộ Tài chính).
[8] Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2017 - 2018. Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, tương đương với 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương (Báo cáo của Bộ Công thương).
[9] Việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ có một số tiêu chí bất cập như: việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về thu nhập như trước đây còn phải đáp ứng tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ xã hội cơ bản với 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản) (Báo cáo của Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
[10] Trong 9 tháng đầu năm 2017, thiên tai làm 169 người chết và mất tích, 232 người bị thương; 1,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 233,8 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 66,1 nghìn ha lúa và 45,4 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính gần 21,5 nghìn tỷ đồng. Cơn bão số 10 đã làm 11 người chết và 81 người bị thương; 485 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 201,8 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 17,8 nghìn ha lúa, 14,4 nghìn ha hoa màu, 48,1 nghìn ha cây ăn quả, cây công nghiệp và 13,4 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hỏng; 8 tàu cá bị chìm và 816 thuyền/xuồng bị hư hỏng, cuốn trôi; 53 km kênh mương bị sạt lở; giá trị thiệt hại ước tính hơn 16 nghìn tỷ đồng (Báo cáo của Tổng cục thống kê).
[11] Vụ việc Công ty Cổ phần VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg, loại thuốc đặc trị ung thư. Theo kết luận giám định của Bộ Y tế thì lô thuốc này có 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người (Báo cáo của Bộ Y tế).
[12] Trong tháng 9/2017 có 44,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (8 trường hợp tử vong), tổng số trường hợp mắc bệnh trong 9 tháng năm 2017 là 125,2 nghìn trường hợp (105,3 nghìn trường hợp phải nhập viện), trong đó có 29 trường hợp tử vong (Báo cáo của Tổng cục Thống kê).
[13] Tính đến tháng 9 năm 2017, số người tham gia Bảo hiểm y tế khoảng 79 triệu người, đạt khoảng 84% dân số (Báo cáo của Bộ Y tế).
[14] Thống kê các trường hợp đi khám từ 50 lần trở lên trong 4 tháng đầu năm có 2.776 người với 160.374 lượt, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; 195 trường hợp thường xuyên khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh phí chi cho khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế là 41.283 tỷ đồng, chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017, vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 7 tháng đầu năm 2017, có hơn 91 triệu lượt khám bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế với đề nghị thanh toán là 46.686 tỷ đồng. Trong đó, có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám, chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến, nếu tiếp tục tình trạng này, năm 2017 có khoảng 59/63 địa phương bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng (Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
[15] Hiện nay việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ ở vùng cao Tây Bắc đang diễn ra một cách dễ dàng, công khai, với con số mỗi năm trên 500 tấn thuốc diệt cỏ được phun vào cỏ cây, đất đai và môi trường. Tình trạng này đã và đang dẫn đến hệ lụy: hủy hoại sức khỏe con người, môi trường sống và thế hệ tương lai (Theo VOV- báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam).
[16] Vụ việc tiêm thuốc an thần cho 3.750 con heo trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
[17] Có trường thí sinh đạt 30 điểm/3 môn vẫn bị trượt, ngược lại một số trường sư phạm thí sinh đạt bình quân 3 điểm/môn vẫn trúng tuyển.