Thời gian qua, nhiều vụ án hình sự liên quan đến lứa tuổi vị thành niên khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài hình sự đối với loại tội phạm này lâu nay vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Còn nhớ, vụ án liên quan đến bị can Lê Văn Luyện cách đây 10 năm là vụ án kinh hoàng ở lứa tuổi vị thành niên. Nếu chỉ xét về mức độ tàn bạo và man rợ của vụ án (giết 3 người, chém lìa tay một trẻ em 8 tuổi) thì đã đủ để kẻ thủ ác phải đối diện với án tử. Thế nhưng, các quy định về độ tuổi áp dụng khung phạt tử hình hiện hành đã giúp Luyện thoát án tử hình, chỉ phải chịu án tù giam.
Trong thực tiễn tư pháp ở nước ta, việc áp dụng chế tài nào đối với tội phạm vị thành niên đã được sửa đổi nhiều lần, bắt đầu từ năm 1985 cho đến Bộ luật Hình sự 2015. Hiện nay, việc thẩm vấn và tranh tụng còn đang trong quá trình chuyển đổi khi áp dụng đối với người chưa thành niên, nhưng mô hình nào bảo vệ được quyền cho người chưa thành niên thì vẫn chưa có câu trả lời. Nhiều luật gia, luật sư cho rằng, việc thẩm vấn không đúng có thể đặt người chưa thành niên vào hoàn cảnh không được bảo vệ và có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn.
Về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, Công ước về quyền trẻ em có đề cập biện pháp xử lý chuyển hướng, nhằm chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp bất cứ thời điểm nào trước, trong quá trình tố tụng liên quan. Mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên là hướng tới việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên, quyền của trẻ em. Cách tiếp cận của hệ thống tư pháp hình sự người chưa thành niên cần phải là một cách tiếp cận toàn diện, có nghĩa là việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên cần phải được quy định trong tất cả các ngành luật: luật hình sự, luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi không chỉ chú ý đến vấn đề quyền của người chưa thành niên phạm tội mà còn có cả quyền của những người chưa thành niên là nạn nhân hoặc là nhân chứng.
Để bảo vệ bị can là người vị thành niên, TS Lê Nguyên Thanh - chuyên gia về tội phạm học cho rằng, trong thực tiễn vẫn xảy ra các rủi ro trong quá trình hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi. Do đó, người hỏi cung cần ứng xử trên tinh thần nhân đạo và phải vì quyền lợi tốt nhất cho bị can là người vị thành niên. Hiện nay, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã tương đối hoàn chỉnh các quy định về bảo vệ quyền của người dưới 18 tuổi trong cả quy trình tố tụng. Tuy nhiên, quá trình thực tiễn thay đổi cũng đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. TS Thanh lấy dẫn chứng quy định về các nguyên tắc trong tố tụng hình sự yêu cầu người hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có chuyên môn, nghiệp vụ hoặc có kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNICEF và Bộ Tư pháp thì không phải người tiến hành tố tụng nào cũng có kinh nghiệm hoặc có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng tố tụng đối với người vị thành niên.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Phượng (Trường ĐH Luật Hà Nội), nước ta chưa có đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên. Do đó, nhu cầu để xây dựng đạo luật này là rất cấp thiết. Điểm rất thuận lợi là pháp luật đã có quy định riêng về hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Do đó, bà Phượng cho rằng, chúng ta cần sớm xây dựng đạo luật tư pháp riêng cho người chưa thành niên.