Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG 23/09/2022 07:56

Tôi được đọc “Người gác đèn biển” của Henryk Sienkiewicz trong tập “Truyện cổ điển Ba Lan” khi còn là học sinh lớp 7, ấy là quyển sách vỡ lòng đã đưa dắt tôi đến với nền văn học Ba Lan giàu có. Nó như một khe suối nhỏ trong vắt, thanh khiết trong cánh rừng đại ngàn bao la, dẫn tôi đến với dòng sông lớn của một nền văn học lớn, đầy sức sống, luôn trăn trở, sinh sôi, luôn tìm tòi sáng tạo…

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng với các nhà văn, nhà thơ và độc giả tại Thư viện Quốc gia nhân Kỷ niệm 100 năm ngày mất của Henryk Sienkiewicz (2016).

Là học sinh miền Nam, tốt nghiệp phổ thông năm 1966, tôi vào học ngành Máy tàu thủy - Khoa Công nghiệp cá, Trường Đại học Thủy sản. Ra trường, giảng dạy vài năm ở bộ môn Cơ khí Tàu thuyền, tôi đi Ba Lan làm nghiên cứu sinh ở Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Łódz, phân hiệu Bielsko-Biała.

Bảo vệ luận án tiến sĩ về cải thiện quá trình cháy trong động cơ diezen năm 1980, được phong hàm Phó Giáo sư năm 1989 cũng về chuyên ngành động lực, giảng dạy rồi làm quản lý trong lĩnh vực thủy sản. Đời tôi nặng nợ với các thứ sắt thép, cơ khí, máy móc, với cháy và nổ, với tôm và cá, dường như chẳng có chút gì liên quan gì với văn thơ. Ấy vậy mà không hiểu sao mối duyên nợ của tôi với văn học Ba Lan suốt đời không dứt.

Tôi vẫn nhớ mãi ấn tượng về buổi sớm mai đầy sương mù cuối tháng tám năm 1976, hơn 40 năm trước, khi lần đầu tiên được đến Ba Lan. Ðoàn tàu liên vận quốc tế vượt qua dòng sông Bug như một dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng dừng bánh trên sân ga biên giới Terespol ở phía đông Ba Lan. Trời chưa sáng hẳn. Tôi mở cửa toa tàu, bước xuống sân ga vắng lặng, nơi chỉ có những người lính biên phòng và hải quan đang bình thản đi đi lại lại.

Tôi cố căng ngực hít sâu hơi mát trong lành của buổi ban mai đầu tiên được đặt chân trên đất nước của Chopin. Trong làn sương sớm như lan tỏa về từ quá khứ xa xôi, những cánh rừng bạch dương và rừng phong lá chưa ngả màu, hiện ra mờ ảo như huyền thoại, có một vẻ gì thật riêng, thật thanh bình, thật Ba Lan - mà lạ lùng thay, với tôi sao xiết bao gần gũi. Trò chuyện đôi câu cùng một anh lính biên phòng Ba Lan rất trẻ, người vùng cao nguyên Sląsk, tôi bàng hoàng ngỡ như mình đã gặp ở đâu rồi phong cảnh này, hơi ban mai tươi mát này, làn sương dịu dàng quấn quýt này, đã như quen thân chàng lính trẻ ấy từ lâu lắm rồi.

Và khi bình minh lên, con tàu chuyển bánh đưa tôi đi sâu vào đất nước Ba Lan xinh đẹp, tôi mới chợt nhớ ra rằng mình đã cảm nhận được tất cả từ những điều ấy từ truyện ngắn “Người gác đèn biển” của Henryk Sienkiewicz, câu chuyện về ông lão Skaviński, một người Ba Lan trung thực, giản dị nhưng kiên cường.

Truyện ngắn ấy tôi được đọc trong tập “Truyện cổ điển Ba Lan” khi còn là học sinh lớp 7, ấy là quyển sách vỡ lòng đã đưa dắt tôi đến với nền văn học Ba Lan giàu có. Nó như một khe suối nhỏ trong vắt, thanh khiết trong cánh rừng đại ngàn bao la, dẫn tôi đến với dòng sông lớn của một nền văn học lớn, đầy sức sống, luôn trăn trở, sinh sôi, luôn tìm tòi sáng tạo, với những tên tuổi của Adam Mickiewicz (1798 -1855), Juliusz Słowacki (1809-1849), Henryk Sienkiewicz (1846 -1916), Bolesław Prus (1847-1912), Władysław Reymont (1867–1925), Czecław Miłoś (1911-2004), Wisława Szymborska (1923 -2012) và của bao nhà văn, nhà thơ huyền thoại khác.

Mãi về sau này, khi đã được đọc, được hiểu thêm về văn học Ba Lan, đã làm được đôi điều nhỏ nhoi trong việc dịch và giới thiệu một số tác phẩm của nền văn học bao la ấy, tôi mới dần cảm nhận được định mệnh đã gắn bó số phận mình với dòng văn học ấy. Điều này tôi cũng đã có dịp chia sẻ với Tổng thống Ba Lan khi ông sang thăm Việt Nam và trao cho tôi tấm Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ để ghi nhận đóng góp cho việc dịch và giới thiệu văn học Ba Lan.

Bộ "Hiệp sĩ Thánh chiến" do PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng dịch.

Người đầu tiên truyền cho tôi kiến thức về ngôn ngữ và văn học Ba Lan là bà Kazimierza Budzianka, cô giáo Trung tâm Tiếng Ba Lan cho người nước ngoài ở Łódz, người mà nhiều lưu học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam thường gọi trìu mến là cô Buda.

Còn nhớ, trong 9 tháng dạy tiếng Ba Lan cho tôi, bà đã 3 lần cho tôi điểm 6 (dù thang điểm chỉ có điểm 5 là cao nhất), mà như bà nói, để đánh giá thật công bằng trình độ làm chủ tiếng Ba Lan của cậu “học sinh cá biệt” là tôi! Bà cũng đã nhiệt tình giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành biên soạn quyển Từ điển Kỹ thuật Ba Lan - Việt Nam mà nhiều thế hệ lưu học sinh Việt Nam trước đây đã sử dụng. Nhưng trên hết, bà là người đã dành nhiều tâm huyết dạy cho tôi giá trị những tác phẩm của H. Sienkiewicz, B. Prus, W. Reymont…

Bảo vệ luận văn Tiến sĩ vào ngày 15/10/1980, đầu năm 1981 tôi về nước, mang đến NXB Văn học (ngày ấy còn ở số 49 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) một bản đề cương giới thiệu các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz. Trong đó tôi đề nghị NXB Văn học tổ chức dịch và giới thiệu những tác phẩm hay nhất của ông, gồm: “Quo Vadis”, “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, bộ ba tiểu thuyết lịch sử: “Bằng lửa và gươm”, “Nạn hồng thủy” và “Ngài Volodyovski”, “Hiệp sĩ Thánh chiến” và các truyện ngắn tuyệt tác.

Tiếp tôi ngày xuân năm 1981 ấy là các anh Anh Trúc, Thúy Toàn và Giám đốc NXB Lý Hải Châu. Các anh đã nhiệt tình động viên tôi dịch văn học Ba Lan, trước hết là “Quo vadis”. Và thế là tôi dấn thân vào cuộc hành trình dài, theo sự dẫn dắt của tình yêu và định mệnh.

Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến con người khiêm nhường đã dịch truyện ngắn “Người gác đèn biển” của Henryk Sienkiewicz, truyện ngắn đầu tiên truyền cho tôi tình yêu văn học Ba Lan thuở thiếu thời mà tôi đã nhắc ở phần trên - bác Hữu Chí. Bác Hữu Chí giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng lại không có điều kiện để học tiếng Ba Lan, bác dịch văn học Ba Lan chủ yếu qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Công việc bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Cho đến tận cuối đời, người đàn ông ấy vẫn còn say mê dịch. Có lần tôi vân vi hỏi tại sao bác không phát huy sở trường ngoại ngữ hoặc theo người đời tìm giới thiệu một nền văn học khác vốn đã nổi tiếng, mà lại phải là Ba Lan, bác chỉ cười. Nó là cái duyên, cái nợ. Ðã là duyên nợ thì đừng hỏi nguyên do.

Với “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, tôi dịch quyển sách kỳ thú này song song với việc dịch “Quo Vadis” trên một cái máy chữ xách tay, trong những năm dạy ở Đại học Thủy sản Nha Trang, chính xác hơn trong những tháng ngày nằm bệnh viện với bệnh hen phế quản ngày càng nặng vì dị ứng thời tiết. Có lẽ tình cảnh lúc ấy của bản thân cũng có nhiều nét bi kịch tương đồng, nên giúp tôi thấu hiểu thêm số phận các nhân vật trong 2 tác phẩm của Sienkiewicz. Hai quyển sách đều được in năm 1985 trên giấy trắng (chuyện khá hiếm vào thời khó khăn đó): Rồi cả hai cùng được tặng giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam.

Càng sống, càng đọc, càng dịch càng thấu cảm sự diệu kỳ của mối liên kết lòng người của văn chương. Nó là tiếng lòng vô hình mà bền chặt, có sức xuyên thấu thời gian và không gian, có thể khiến những vùng đất xa xôi, những thân phận con người tưởng không hề có gì chung với chúng với ta, bỗng chốc trở nên xiết bao gần gũi. Ðối với riêng tôi, văn học của dân tộc Ba Lan anh em là những tiếng lòng như thế.

Có ai đó nghĩ rằng dịch văn học chỉ là sự chuyển dịch ngữ nghĩa, là sự diễn dịch sang ngôn ngữ khác những điều tác giả đã viết sẵn. Là vậy thật, mà cũng không chỉ là vậy. Bởi vì hình như cái cốt lõi vẫn là chuyện tấm lòng, chuyện tình yêu, chuyện duyên nợ. Người dịch phải có một tấm lòng, một tình yêu thế nào mới có thể có duyên tìm được nguyên tác hợp với tạng mình, giữa rừng văn học bao la không dễ phân thật giả, mới có duyên để tìm được lối đến với tâm hồn người đọc giữa muôn nẻo cuộc đời.

Dịch văn học là lao động sáng tạo văn học với những quy chuẩn nghiệt ngã. Tác phẩm văn học dịch thành công được tạo ra bởi mối giao hòa giữa sự rung cảm trước vẻ đẹp nhân văn và ngữ văn của văn bản gốc, sự đồng điệu của người dịch với tâm hồn tác giả và năng lực sáng tạo văn học của bản thân người dịch. Người dịch trước hết phải tinh tế trong việc chọn tác phẩm có giọng tâm hồn đồng điệu với mỹ cảm của mình, và quan trọng hơn phải có khả năng sáng tạo để truyền cảm xúc của mình vào văn bản dịch.

Tranh thủ những giờ phút rảnh hiếm hoi, tôi đã lao động miệt mài trong gần 40 năm, cố chuyển tải những giá trị tinh túy của nền văn học Ba Lan tới độc giả Việt Nam. Hy vọng là nỗ lực của một người yêu Ba Lan không vô ích, dẫu chỉ như một dòng suối nhỏ róc rách len lỏi giữa rừng già, dẫn bạn đọc tìm đến với những dòng sông lớn và cả đại dương - nền văn học với vẻ đẹp mê hồn của dân tộc Ba Lan thân thương.

Một số đầu sách do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng được biết đến với các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Ba Lan: “Con vịt xấu xí” của Andersen, NXB Kim Đồng (1985), “Quo Vadis” của Henryk Sienkiewicz, NXB Văn học (1985), “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz, NXB Kim Đồng (1986), “Đường công danh” của Nikodem Dizma, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học (1988), “Thầy lang” của Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học, “Hania” của H. Sienkiewicz, NXB Văn học (1988), “Giáo sư Vintruc” của Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Hà Nội (1989), “Con voi” - tập truyện ngắn của Mrożek, NXB Phụ nữ (1989), “Con hủi” của Helena Mniszek, NXB Hà Nội (1990). Ông sắp ra mắt bản dịch bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ “Hiệp sĩ Thánh chiến” của Henryk Sienkiewicz.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan