Quỹ nhà văn Lê Lựu vừa công bố kết quả cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn Việt Nam lần thứ 3 năm 2018- 2020.
Phát động từ năm 2018 đến cuối năm 2020, cuộc thi đã nhận được hàng nghìn tác phẩm của các tác giả đến từ mọi miền tổ quốc tham gia. Kết thúc cuộc thi, BGK đã quyết định trao 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Tư (không có giải Nhất) cho các tác phẩm xuất sắc với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Cụ thể, giải thưởng Đặc biệt được trao cho tác phẩm “Ở quê ngày ấy” của nhà văn Lê Lựu như một lời cảm ơn đối với người thành lập ra Quỹ nhà văn Lê Lựu trong lúc ông ốm đau.
Giải Nhì thứ nhất được trao cho “Mái tranh nghèo của mẹ” của tác giả Đặng Chương Ngạn. Theo đánh giá của BGK, điều đáng nói đầu tiên đây là tác giả còn chưa mấy tên tuổi nhưng đã nói được điều xã hội cần nghe. “Mái tranh nghèo của mẹ” được gói trong cấu trúc vững vàng và “thuộc” diễn biến tâm lý, đặc biệt là thuộc ngôn ngữ nhân vật. Đây là điều nhiều nhà văn, sau lý thuyết diễn ngôn bập bõm nhập vào đã bất chấp, khiến truyện của họ khiên cưỡng, thiếu sức thuyết phục.
Còn tác phẩm giải Nhì thứ hai được trao cho chùm bút ký của nhà văn Lê Ngọc Minh. Là nhà văn đã thành danh, các tác phẩm của Lê Ngọc Minh chân phương, giản dị, ý tứ chuẩn chỉnh. Ông không tránh né nỗi bức xúc lo lắng của toàn xã hội về chương trình giáo dục nặng nề, muốn nhẹ bớt hành trang để người trẻ được phát triển cả thể chất lẫn năng lực tư duy. Nhẹ nhàng nhưng có sức lay động lớn, Lê Ngọc Minh viết về nền dạy học của tiền nhân ở làng Bột Thượng – còn được gọi là làng Quan Trạng, được vua phong 4 chữ Địa linh nhân kiệt chép trên cổng làng.
Chỉ một chi tiết “Quan thượng thư chỉ đỗ Cử nhân, ghét Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ vì ông trực ngôn, về làng bị ngồi chiếu dưới (ở làng này “trọng khoa hơn trọng hoạn”) bèn đưa ông đi dẹp giặc cỏ, sau hối cho người gọi về. Ông không về, còn nói: “Chết thằng Nhạ không chết Hoàng giáp.” Chỉ một chi tiết ấy thôi, nó cho biết cái học và cái dạy ngày xưa đạt hiệu quả thế nào! Hay trong “Bạn lính”, Lê Ngọc Minh cũng nhẹ nhàng tôn vinh những con người trọng tài và trọng tình sống với nhau, thủy chung vì nhau và cùng nhau vì cái tốt đẹp cho đất nước.
Sau giải thưởng lần thứ ba, Qũy nhà văn Lê Lựu tiếp tục phát động cuộc thi viết truyện ngắn đề tài văn hóa doanh nhân; nông nghiệp – nông thôn Việt Nam lần thứ 4 năm 2021- 2023). Theo kế hoạch, BTC sẽ bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ tháng 6/2021.