Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Một tư tưởng lớn và tình cảm chân thành trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Lê Ái 24/07/2024 10:14

Nói về cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản xuất bản, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, nội dung cuốn sách toát lên tư tưởng lớn, tình cảm chân thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

anh-chinh.jpg
Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt và phát hành bản điện tử cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 18/11/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, nhiều bài phát biểu quan trọng về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng quan điểm về đại đoàn kết dân tộc được nâng tầm, thể hiện trọn vẹn, đầy đủ nhất qua cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Cuốn sách được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023) nên càng có giá trị đặc biệt.

sach-tong-bi-thu-1.jpg
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản xuất bản.

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết muôn người như một đã tạo thành sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc. Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành bài học: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90 năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong những thành tựu đó, việc quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức của cả dân tộc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Đảng đã nêu rõ: “Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, và đúc kết từ thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.

Nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ, nắm vững, triển khai hiệu quả hơn nữa công tác quan trọng này, đồng thời định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản xuất bản cuốn sách rất quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

sach-tong-bi-thu-4.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui cùng bà con khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội trong Ngày hội Đại đoàn kết, ngày 14/11/2018. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đây là cuốn sách rất quý, tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, được nghiên cứu, phân tích sâu sắc, tập hợp tư liệu, hình ảnh, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các tầng lớp trong xã hội.

“Đó là những tư tưởng vượt trội, tầm nhìn sâu rộng, biện chứng, thực tiễn về đại đoàn kết toàn dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Văn phong mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, sâu lắng, đi vào lòng người. Nội dung cuốn sách toát lên tư tưởng lớn, tình cảm chân thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Nội dung cuốn sách gồm bài Tổng quan và 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh dung dị, đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm và làm việc ở 63 tỉnh, thành phố và nhiều cơ quan, đơn vị. Những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết của Tổng Bí thư luôn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng cống hiến vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là mục tiêu lớn nhất, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt. Do đó, cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận, phải lấy an dân làm gốc, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận, của nhân dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành thắng lợi.

Xuyên suốt các bài nói, bài viết, bài phát biểu... cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Đối với tổ chức Công đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Công đoàn nỗ lực hơn nữa để xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tổ chức công đoàn vững mạnh.

Đối với Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư yêu cầu, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin và hy vọng vào thế hệ thanh niên Việt Nam - những người chủ tương lai của đất nước, chính vì vậy, cần phấn đấu xây dựng một lớp thanh niên có tâm, có trí, có tài, xung kích, dũng cảm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng động viên chị em tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, luôn phấn đấu vươn lên, đóng góp xây dựng đất nước.

Đối với Hội Cựu chiến binh, Tổng Bí thư cũng dành sự quan tâm sâu sát với phong trào của Hội, động viên mỗi cựu chiến binh, cựu quân nhân phát huy truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc; đồng thời mong muốn đội ngũ này sẽ không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa.

Tổng Bí thư cũng dành sự quan tâm sâu sát với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; đồng bào các tôn giáo và những người Việt Nam ở nước ngoài. Tổng Bí thư mong muốn tăng, ni, phật tử Việt Nam phát huy truyền thống “hộ quốc an dân”, đồng hành phát triển cùng dân tộc; đồng bào Công giáo kính Chúa yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư khẳng định, đó là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, là tinh thần đại đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và mong muốn xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Tổng Bí thư đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, lấy đó làm nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động, ở tất cả các cấp” - PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau, từ miền núi, biên giới đến miền biển; từ nhà máy đến ruộng đồng. Đến đâu, ông cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các cụ cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo... Những lời thăm hỏi, động viên đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, tình cảm yêu thương, đồng cảm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta với các tầng lớp nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc, làm lay động lòng người. Đồng thời thông qua những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi các giai tầng xã hội luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cuốn sách cũng cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng, tình cảm, tấm lòng kính yêu của nhân dân thuộc mọi tầng lớp, trên mọi vùng miền của đất nước đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng vào tương lai, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, dựng xây đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng ông đã để lại hệ thống quan điểm lý luận đồ sộ trên tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng… đặc biệt là vấn đề đại đoàn kết dân tộc - một tư tưởng lớn và tình cảm rất đỗi chân thành. Hệ thống quan điểm này là di sản quý báu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“MTTQ Việt Nam cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, MTTQ cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung. Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Trích phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”).

“Cuốn sách sẽ là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp cho cấp ủy, MTTQ các cấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn; là cơ sở chính trị để quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đồng thời Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029; khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến).

“Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người, quan điểm đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với tư duy nhất quán, xuyên suốt của đồng chí về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc, những giải pháp nhằm phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần định hướng cho toàn Đảng và hệ thống chính trị, cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ngày càng văn minh, hạnh phúc” (PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Một tư tưởng lớn và tình cảm chân thành trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc