Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi

Lê Ái 23/07/2024 08:43

LTS: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là một người lãnh đạo tận tụy vì nước vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính. Ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt với MTTQ Việt Nam - mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi lần đến Mặt trận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến bài học đoàn kết, vì thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. Kể từ số báo này, Báo Đại Đoàn Kết xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những bài viết, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một sự tri ân và tôn vinh những đóng góp của Tổng Bí thư đối với MTTQ Việt Nam, với sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.

bia-tet-2023a.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại buổi gặp mặt các đại diện đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu trong cả nước tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022 (ngày 26/11/2022). Ảnh: Quang Vinh.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian để trở về gặp gỡ, sẻ chia với bà con nhân dân trong những Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hay trong các kỳ cuộc của Mặt trận để lắng nghe ý kiến của các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, MTTQ Việt Nam là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân vì vậy, mong mỏi của người đứng đầu Đảng ta là, MTTQ các cấp phải thực sự là trung tâm đoàn kết. Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi.

anhchinh.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các đại biểu dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 (ngày 26/11/2022). Ảnh: Quang Vinh.

Mỗi lần trở về Mặt trận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao tinh thần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại cuộc gặp mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào hồi đầu tháng 4/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Để đạt được thành tựu đó, bài học đầu tiên là sự đoàn kết, thống nhất, sự gặp nhau của lòng dân, ý Đảng. Và ở đó có vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ của các nước trên thế giới.

Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên của MTTQ Việt Nam. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện trách nhiệm là thành viên gương mẫu để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động do MTTQ Việt Nam đề ra.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa được bao lâu, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (18/11) hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

“Ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Mặt trận là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Mặt trận có sứ mệnh tổ chức đoàn kết và tạo ra các phong trào đoàn kết trong mọi tiến trình phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (ngày 14/11/2021). Ảnh: Quang Vinh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (ngày 14/11/2021). Ảnh: Quang Vinh.

Từ hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Đảng và Nhà nước phát động, hàng năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo", khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp, chung tay giúp đỡ người nghèo. Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức chăm lo các gia đình chính sách, người có công, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Tết cổ truyền của dân tộc… Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai với nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước.

Có thể thấy rằng, với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Cán bộ cơ sở của Mặt trận là những người ở trong dân, gần dân và hiểu dân nhất. Trong nhiều năm qua, thông qua sự phối hợp giám sát, vận động nhân dân cùng giám sát và giám sát độc lập, hoạt động giám sát của Mặt trận ở trên 100 nghìn khu dân cư cả nước đã phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng.

Trong chặng đường hình thành và phát triển, Mặt trận mong muốn không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được bày tỏ chính kiến của mình mà là nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để được bày tỏ tiếng nói của mình. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân. Lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề con người là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi đó đang là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk (ngày 11/11/2018). Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi đó đang là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk (ngày 11/11/2018). Ảnh: TTXVN.

Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 94 năm qua đã minh chứng. Mặt trận luôn nêu cao sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc để thực hiện các mục tiêu chung của dân tộc, của đất nước cho tới mỗi cộng đồng dân cư.

Còn nhớ, trong những ngày tháng 11 của năm 2018, khi những cơn mưa còn rớt lại như “vàng” ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng nghìn héc ta cà phê, hồ tiêu mơn mởn một màu xanh, trong tiếng cồng tiếng chiêng, bà con đồng bào dân tộc ở xã Dur Kmăl phấn khởi chào đón hai vị khách đặc biệt đến với Ngày hội Đại đoàn kết.

Già làng Y Đhun Hók – người trao hai chiếc áo truyền thống của bản làng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi ấy đang là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, xúc động chia sẻ rằng, tấm áo này chính là tình cảm, hơi ấm dạt dào mà bà con nơi đây muốn dành cho những vị khách đặc biệt.

Khoác lên mình tấm áo của đồng bào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn xúc động như đón nhận tình cảm của bà con Tây Nguyên. Trong căn nhà rông, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, muốn đoàn kết thì không thể một cá nhân riêng lẻ mà phải có sự tổ chức, tập hợp bà con, tập hợp quần chúng nhân dân, trên dưới đồng lòng…

“Muốn đoàn kết thì chúng ta phải có Mặt trận, thành lập Mặt trận để tinh thần đại đoàn kết được phát huy, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Cũng trong những ngày cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian cùng với ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Trong không khí thắm đượm tinh thần đoàn kết nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, mục đích của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Kết quả của Ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngày 19/7/2024, người dân cả nước bàng hoàng khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ông ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Một trái tim nhân hậu đã ngừng đập, nhưng những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn đã truyền cảm hứng cho nhân dân, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ Mặt trận trong từng lời nói, việc làm để tiếp tục làm tốt hơn nữa sứ mệnh củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.

“Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, và phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo". Đảng ta đã xác định vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận. Phải phát huy thật tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam”.

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam)

Đặt tư tưởng “dân là gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ Mặt trận

Phát biểu tại buổi gặp mặt các đại biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chân lý này đã được cụ Nguyễn Trãi đưa ra cách đây gần 600 năm (năm 1428) nay vẫn còn nguyên giá trị: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khoẻ, an cư, an toàn và an tâm; hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.

Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị MTTQ các cấp, cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp uỷ đảng, chính quyền. Cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, các đối tượng yếu thế,... đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, là nòng cốt tích cực trong đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn, cơ sở.

Đặc biệt đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân nhận thức đầy đủ, cụ thể hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của mình; về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Mặt trận ở cơ sở. Do đó, điều quan trọng là làm sao để mọi người dân hiểu được vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận ở cơ sở.

“Muốn người dân tin yêu hơn, hỗ trợ, giúp đỡ Mặt trận nhiều hơn, mỗi cán bộ Mặt trận cần tích cực gần dân, sát dân, gương mẫu, đi trước, đi đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hướng dẫn nhân dân trong các công việc của cộng đồng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, không sợ khó, sợ khổ, bởi những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng, là những người có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng dân cư, luôn làm việc với tinh thần: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

“Đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tiếp tục phát huy và lan toả rộng rãi hơn nữa. Luôn luôn cầu thị, lắng nghe và tham gia giải quyết, phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Thường xuyên trau dồi, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng, tinh thần nêu gương, mẫu mực, kiên định niềm tin và biết dựa vào nhân dân để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu hoạt động, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Lê Na

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi