Một trái tim lớn đã ngừng đập - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với “thế giới của người hiền” nhưng tư tưởng, tình cảm, trái tim, khối óc của người cộng sản kiên trung, mẫu mực ấy vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người làm công tác Mặt trận tiếp tục sứ mệnh của mình, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều kỷ niệm với nhân dân Hà Nội, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thủ đô. Luôn khắc ghi những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, đội ngũ cán bộ Mặt trận và nhân dân Thủ đô luôn bày tỏ sự kính trọng và tình cảm trân quý nhất dành cho Tổng Bí thư, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, là điển hình của trí tuệ, bản lĩnh.
“Tổng Bí thư luôn coi trọng và dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với các hoạt động công tác Mặt trận, đặc biệt là công tác Mặt trận Thủ đô. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian để gặp gỡ nhân dân, tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư; khi không thể tham dự, đồng chí đều gửi hoa, quà chúc mừng. Bên cạnh đó, đồng chí còn dành thời gian để tham dự các buổi tiếp xúc cử tri, chăm chú ghi chép và giải đáp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính từ những buổi gặp gỡ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ và củng cố lòng tin, tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Đảng, với Tổng Bí thư” - bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ.
Với GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng có giá trị thúc đẩy về lý luận và thực tiễn công tác tôn giáo rõ nét nhất, chứa đựng những ý kiến chỉ đạo rất sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đây là sự quan tâm sâu sắc, những luận điểm quan trọng mang tính đường lối, lý luận của Tổng Bí thư về vấn đề tôn giáo, có giá trị hết sức to lớn.
“Qua quá trình công tác, vinh dự được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều dịp đặc biệt, tôi nhận thấy được sự khoan dung trong việc nhìn nhận những vấn đề của con người, đặc biệt khi nói về những khuynh hướng chưa tốt của vấn đề tôn giáo mà cần phải khắc phục, đấu tranh. Có thể nói, sự khéo léo trong cách nhìn nhận, cách suy nghĩ và tác phong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem lại sự thúc đẩy để củng cố vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trực tiếp làm công tác tôn giáo, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo, phát huy những mặt tích cực của lực lượng tôn giáo” - GS Đỗ Quang Hưng chia sẻ và khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo gần dân, được người dân mến thương, trong đó có cả những người theo tôn giáo nói chung.
Nhớ lại kỷ niệm từ cách đây gần 25 năm, ông Bế Trường Thành - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam) không thể nào quên được những ký ức về phong cách chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất giản dị, gần gũi, thật cởi mở, dân chủ song rất sâu sắc, khoa học và quyết đoán khi ông chỉ đạo Hội đồng biên tập sách “Các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX” trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trực tiếp dự họp Hội đồng Biên tập và đưa ra nhiều ý kiến mà ông khiêm tốn nói là “vài góp ý nhỏ cho việc biên tập”.
“Khi trao đổi với các thành viên Hội đồng Biên tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hóm hỉnh đặt câu hỏi “Khi đọc cuốn sách này, điều trước tiên cần để độc giả thấy được Việt Nam ta là một nước “Tam đa”. Các bạn hiểu “Tam đa” là thế nào? Thưa là Phúc – Lộc – Thọ ạ. Một người nhanh nhảu trả lời. Còn một người khác lại diễn giải là nước có chỉ số hạnh phúc cao, giàu có và trường tồn. Bác Trọng cười độ lượng, giải thích, đây là sách về các dân tộc Việt Nam thì “Tam đa” nên hiểu là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa và thống nhất trong đa dạng. Tất cả mọi người cùng cười thú vị về cách giải thích hài hước nhưng rất chuẩn xác và dễ hiểu. Với cách chỉ đạo sát sao và cụ thể của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cho Hội đồng Biên tập phương pháp nghiên cứu, tổng hợp tư liệu để biên tập sách rất hiệu quả” - ông Bế Trường Thành nhớ lại.
Cuốn sách “Các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX” dày hơn 900 trang đã được NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành và là ấn phẩm rất có ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001).
Là người đã gắn bó với Mặt trận hàng chục năm nay, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho công tác Mặt trận, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định, xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở mở rộng nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc huy động toàn thể dân tộc vào công cuộc làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, một nhà lãnh đạo gần dân, trọng dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sự dung dị, quan tâm, tình cảm yêu thương của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta với các tầng lớp nhân dân đã để lại ấn tượng sâu sắc, cổ vũ, động viên mọi giai tầng đoàn kết thành một khối thống nhất cùng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước” - ông Nguyễn Túc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Túc, trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt.
Từ quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, lấy đó làm nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động; đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phải lấy “an dân làm gốc, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận của nhân dân”, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, từ đó góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh hùng cường.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc mà Tổng Bí thư đã căn dặn mãi mãi là nguồn động viên tinh thần lớn lao, là “kim chỉ nam” để đội ngũ cán bộ Mặt trận học tập noi theo tiếp tục làm tốt hơn nữa sứ mệnh củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường” - ông Nguyễn Túc xúc động chia sẻ.
Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia Samdech Men Sam An; Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo; Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Hàn Quốc Kim Moon Soo đã gửi điện chia buồn tới ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; UBTƯ MTTQ Việt Nam và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nội dung các bức điện như sau: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune nhấn mạnh công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho sứ mệnh giải phóng dân tộc, sứ mệnh thống nhất đất nước và sứ mệnh mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước Việt Nam không ngừng phát triển và sự đoàn kết của nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia Samdech Men Sam An khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Đây là sự mất đi một nhà lãnh đạo xuất chúng của Việt Nam và người bạn thân thiết của Campuchia, người luôn nỗ lực hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ anh em Campuchia - Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo bày tỏ sự bàng hoàng khi biết tin người bạn vĩ đại của Cuba, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua đời. Kỳ họp Quốc hội của Cuba được bắt đầu bằng một phút mặc niệm để tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, và tất cả người dân Cuba bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc đối với đồng chí đều cảm thấy xúc động; Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Hàn Quốc Kim Moon Soo khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương giữa hai nước Hàn Quốc - Việt Nam thông qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên chính sách đối ngoại vững chắc và linh hoạt. Những nỗ lực không biết mệt mỏi và những thành tựu vĩ đại của ông sẽ luôn được nhân dân hai nước ghi nhớ trong lịch sử mãi mãi.
Lê Na(tổng hợp)
Sâu nặng nghĩa đồng bào trong những bức thư gửi về Mặt trận
Từ nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi thư chia buồn tới MTTQ Việt Nam - Mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi đất nước mất đi một nhà lãnh đạo được nhân dân gửi trọn niềm tin yêu.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tình cảm đặc biệt dành cho kiều bào. Như điều ông từng nói tại Chương trình Xuân Quê hương năm 2019: "Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc".
Những tình cảm, lời nói chân thành hay cái bắt tay nồng ấm trong những lần gặp gỡ đã để lại ấn tượng sâu sắc không thể quên với hàng triệu con Lạc cháu Hồng xa Tổ quốc. Vì vậy, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đều chung dòng cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn với người lãnh đạo một đời vì nước, vì dân.
Trong thư gửi về Mặt trận, ông Sym Chy - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia chia sẻ niềm đau xót, tiếc thương của bà con cộng đồng người Việt tại Campuchia khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Mỗi chuyến thăm Vương quốc Campuchia, Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm, thăm hỏi động viên bà con người gốc Việt, căn dặn bà con sống đoàn kết tương thân tương ái, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa bàn sở tại đồng thời đóng góp xây dựng quê hương đất nước và “dù đi đâu làm gì cũng luôn nhớ mình là người Việt Nam”.
Nhớ lại lần gặp gỡ Tổng Bí thư bên Hồ Gươm, Hà Nội, ông Sym Chy xúc động chia sẻ, “ Tổng Bí thư đặt bàn tay nhẹ lên vai tôi trìu mến dặn dò: “Chy, bên đó cháu ráng giúp bà con người gốc Việt có cuộc sống tốt hơn, đoàn kết giúp đỡ nhau, tuyên truyền vận động bà con chấp hành tốt luật pháp Campuchia, tôn trọng phong tục tập quán người Khmer, sống hòa đồng với các cộng đồng khác, động viên cho các cháu đi học chữ Khmer, chữ Việt”. Lời căn dặn của bác là kim chỉ nam dẫn đường, tình cảm của bác là động lực lớn lao giúp chúng tôi cố gắng hết mình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia”.
Ông Lương Xuân Hòa - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani Thái Lan chia sẻ nỗi tiếc thương và cho rằng, “đây là sự mất mát to lớn đối với gia đình chúng tôi và đất nước Việt Nam đã mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất”.
Nhắc lại kỷ niệm trong lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, khi tiễn chân Tổng Bí thư lên chiếc xe Toyota Crown màu đen, ký ức sâu đậm của ông Lương Xuân Hòa mãi ghi nhớ hình ảnh về một người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng lại có một cuộc sống giản dị, khiêm nhường.
Từ Hungary, bà Phan Bích Thiện - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đã gửi lời chia buồn, bày tỏ sự tiếc thương của cộng đồng chị em phụ nữ Việt Nam tại Hungary khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất và yêu quý của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đã từ trần.
“Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Chúng tôi vẫn còn khắc sâu hình ảnh gần gũi, ân cần của Tổng Bí thư trong những dịp Tổng Bí thư thăm Hungary”, bà Phan Bích Thiện bày tỏ và khẳng định, dù ông đã đi xa nhưng hình ảnh về một nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi sẽ còn mãi trong tâm khảm của người dân Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, bức thư của Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu được ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu gửi về Mặt trận mang theo tình cảm sâu nặng của những người con xa Tổ quốc trước sự mất mát, tổn thất vô cùng lớn lao này.
“Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đoàn kết, phát triển ổn định, hội nhập sâu vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc và gắn bó với đất nước Việt Nam. Những cống hiến to lớn cho Tổ quốc cùng nhân cách mẫu mực của nhà lãnh đạo tài ba sẽ mãi mãi trong lòng người dân Việt Nam dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài” - ông Hoàng Đình Thắng khẳng định trong bức thư gửi về Mặt trận.
Lê Ái