Mặt trận

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân Thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội

Ban Biên tập 24/07/2024 08:57

Ngày 14/11/2021, tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân Thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng về nội dung “Phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu xây dựng các khu dân cư của Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh”. Báo Điện tử Đại Đoàn Kết trân trọng đăng nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

5c416cae95395d670428.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ngày 14/11/2021. Ảnh: Quang Vinh.

Hôm nay, tôi và một số đồng chí công tác ở Trung ương và Thành phố Hà Nội rất vui mừng, phấn khởi được về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân của Thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thủ đô Hà Nội. Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi tới toàn thể các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị, các đồng chí và các cháu lời chào thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Ngày hội của chúng ta thật vui và thành công rực rỡ. Không biết các đồng chí khác thế nào chứ cảm giác của tôi lúc này là thấy rất vui, rất mừng và rất phấn khởi; được gặp gỡ, tiếp xúc với bà con, thấy ai cũng phấn chấn, vui vẻ, không khí rất thân tình, náo nhiệt; đúng là Ngày hội, hơn nữa là Ngày hội Đại đoàn kết.

Thưa các vị đại biểu và toàn thể bà con,

Chúng ta đều đã biết, từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Mục đích của Ngày hội là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Kết quả của Ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước. Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

45a8701ac18c09d2509d.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ngày 14/11/2021. Ảnh: Quang Vinh.

Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại Thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, tôi hết sức vui mừng về những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã ta đã đạt được. Tôi được biết, Yên Sở vốn là một làng cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuở xa xưa mang tên là Cổ Sở, có tên nôm là Kẻ Giá (còn gọi là Giá Lụa) vì nơi đây có cánh bãi phù sa sông Đáy rộng gần 170 ha, chuyên trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa, lại có bến Cổ Sở - nơi giao lưu buôn bán sầm uất; trong dân gian đã từng lưu truyền câu: “Thóc Lại Yên, tiền Kẻ Giá, cá Kẻ Canh”. Yên Sở có truyền thống văn hóa lâu đời, phương ngôn xưa đã có câu: “Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thầy”. Đặc biệt, nơi đây là quê hương của người anh hùng, Tướng công Lý Phục Man, người có nhiều công lớn giúp Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa năm 542, đánh đuổi giặc Lương ở phương Bắc và quân Lâm Ấp ở phương Nam, dựng nên Nhà nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc ta ở thế kỷ VI. Ngày nay, Yên Sở còn lưu giữ được di tích Quán Giá và Rừng Giá với diện tích hơn 6 ha, đây là nơi yên nghỉ và thờ cúng Tướng công Lý Phục Man. Di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước ta xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia (năm 1991).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Yên Sở đã có nhiều đóng góp về sức người và sức của, cùng quân, dân cả nước chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Yên Sở đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng, dốc sức phấn đấu của nhân dân, cuối năm 2013, xã Yên Sở đã được công nhận là “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” và được đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của Thành phố Hà Nội; được Trung ương đánh giá là 1/27 xã tiêu biểu toàn quốc. Năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hà Nội năm 2019”. Đảng bộ xã nhiều năm liên tục được công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”; xã Yên Sở được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận là “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tổng thu nhập của địa phương vẫn ước đạt hơn 500 tỉ đồng; thu nhập bình quân năm 2021 ước đạt 68 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân chung của toàn Thành phố.

Trong lĩnh vực văn hóa, Hội đồng nhân dân xã đã thông qua Bản quy ước của làng, xã từ năm 1995 trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của bản Hương ước cổ và có bổ sung những điều khoản phù hợp với quy định của pháp luật, gồm 6 chương với 63 điều quy định khá đầy đủ những việc được làm và không được làm của người dân. Đặc biệt, Quy ước nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa, đạo đức, đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường, trật tự an ninh làng, xã... Trong hơn 20 năm qua, Quy ước làng cũng đã phát huy tác dụng rất tốt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Kết quả là toàn xã đã có 95,3% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 9/9 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. Xã không còn hộ nghèo.

Riêng về Thôn 5 của xã Yên Sở, tôi được biết, là thôn đặc thù, dân cư được phân bố ở miền làng và xóm Bến bên kia đê Đáy; thôn có 320 hộ gia đình với gần 1.300 nhân khẩu. Qua báo cáo của Thôn 5, chúng ta nhận thấy, cán bộ và nhân dân thôn 5 đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế với nhiều ngành nghề, chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, kinh tế hộ gia đình, góp phần ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội; có nhiều gia đình xây nhà mới, khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, cả thôn chỉ còn 5 hộ cận nghèo và không còn hộ nghèo. Cán bộ và nhân dân thôn 5 luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn xóm, thôn; động viên nhân dân tham gia thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Đến đầu năm 2021, đã có 314/320 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; cuối năm đã bình xét được 312/314 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bằng 99,36%; thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ theo đúng quy định và phong tục tập quán, đảm bảo phòng, chống đại dịch Covid-19. Công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng được thường xuyên chú trọng; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân dân tham gia tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững... Tôi đánh giá cao và xin nhiệt liệt chúc mừng những thành quả của Thôn 5 và xã Yên Sở chúng ta đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể bà con,

Trong thời gian tới, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo Thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức và cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể của xã Yên Sở nói chung, Thôn 5 nói riêng, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu mới đã đạt được, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; tiếp tục động viên nhân dân tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân; khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, những tập thể và cá nhân tiêu biểu, tạo đà thi đua mới. Tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra. Động viên nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa dịch bệnh; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ, cùng nhau vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Việc xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi gia đình, ở từng thôn, xóm có thành công hay không là do chính mỗi chúng ta; xây dựng khu dân cư lành mạnh, bình yên và giàu đẹp là để cho chính chúng ta hưởng thụ. Vì vậy, tôi xin đề nghị và tha thiết mong muốn bà con hãy tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thôn 5, xã Yên Sở của chúng ta cũng như của tất cả các khu dân cư trong toàn Thành phố Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống vẻ vang Xã anh hùng của Thủ đô anh hùng.

Xin chúc các vị đại biểu, các cụ, các bác, các anh chị và toàn thể bà con sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân Thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội